Nguyên phó viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên chuẩn bị hầu tòa

Ngoài ra, cơ quan điều tra kiến nghị xử lý hàng loạt thành viên HĐXX ở hai cấp tòa trong vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Thái Nguyên.

Theo cáo trạng của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, tháng 11-2008, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam vợ chồng Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh (trú Thái Nguyên) về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông Hợp đứng trước vành móng ngựa ở phiên tòa lần trước. Ảnh: CTV 

Sau đó, cả hai cấp xét xử sơ và phúc thẩm đều kết luận vợ chồng Dương - Anh phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 183 tỉ đồng và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của hai bị hại 2,6 tỉ đồng. Tòa tuyên phạt tù chung thân đối với bị cáo Võ Khánh Dương, 30 năm tù cho bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Anh.

Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên ký lệnh kê biên một số tài sản của vợ chồng Dương - Anh. Số tài sản kê biên, tạm giữ này được chuyển theo hồ sơ vụ án đến VKSND tỉnh Thái Nguyên, phục vụ cho việc truy tố và xét xử. Kiểm sát viên Hoàng Anh Sơn được phân công thực hành quyền công tố ở vụ án này.

Tiếp nhận hồ sơ vụ án, ông Sơn dự thảo cáo trạng và đề xuất truy tố bị can, đồng thời đề xuất chuyển vật chứng, tài sản theo hồ sơ vụ án đến TAND tỉnh Thái Nguyên, trình cho ông Dương Quang Hợp (khi đó là phó viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên) ký duyệt.

Việc kê biên tài sản của các bị cáo là cần thiết nhưng ông Dương Quang Hợp lại căn cứ vào thỏa thuận giữa vợ chồng Dương - Anh và một số ít bị hại, người liên quan là người thân của bị cáo để ban hành các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản và ban hành quyết định trả lại vật chứng cho một số người trái quy định của pháp luật, dẫn đến quyền lợi bị hại trong vụ án không được đảm bảo, thiệt hại khó có thể thu hồi.

Cụ thể, ngày 21-1-2011, ông Dương Quang Hợp ký ba quyết định hủy bỏ ba lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên. Và ký bảy quyết định trả vật chứng là số tài sản kê biên và tạm giữ được định giá là hơn 11,6 tỉ đồng, trong đó có năm người là bị hại của vụ án, còn hai người không phải là bị hại trong vụ án như ông Dương Văn Bắc (được trả tài sản trị giá gần 10 tỉ đồng, trong khi ông Bắc chỉ phải trả thay vợ chồng Dương - Anh hơn 8,3 tỉ đồng cho ngân hàng), ông Nguyễn Quốc Dũng (anh trai của bị can Nguyễn Thị Quỳnh Anh) được trả tài sản trị giá hơn 833 triệu đồng.

Việc ban hành các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản và quyết định trả lại vật chứng cho các đương sự nêu trên của ông Hợp là trái quy định pháp luật, vi phạm Điều 76; khoản 4 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch của Liên ngành Tư pháp Trung ương, tạo điều kiện cho hai bị can Dương và Anh tẩu tán phần lớn tài sản bị kê biên, dẫn đến hậu quả làm 23 bị hại khác trong vụ án bị mất quyền bồi thường.

Hành vi của ông Dương Quang Hợp đã cấu thành tội ra quyết định trái pháp luật được quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng nêu rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Cúc (nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên). Tuy nhiên, cáo trạng khẳng định ông Hợp khi ký các quyết định nêu trên không báo cáo với ông Cúc và sau khi sự việc xảy ra, ông Cúc khai báo thành khẩn và ông Cúc đã bị kỷ luật khiển trách nên không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với ông Tạ Khắc Lợi (nguyên Trưởng phòng 1, VKSND tỉnh Thái Nguyên), khi kiểm sát viên đề xuất chuyển vật chứng theo hồ sơ vụ án đến tòa để xét xử đã đồng ý nhưng sau đó kiểm sát viên đề xuất hủy bỏ lệnh kê biên, trả lại tài sản cho bảy người thì ông Lợi tiếp tục phê “đồng ý nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bị hại”. Việc làm của ông Lợi dẫn đến các tài sản bị chuyển dịch cho người khác trái pháp luật. Nhưng nội dung quan điểm của ông Lợi nếu được thực hiện thì không dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Do đó, hành vi thiếu trách nhiệm của ông Lợi không đủ các yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với kiểm sát viên Hoàng Anh Sơn, mặc dù không chủ động đề xuất ban hành các quyết định trái pháp luật nêu trên nhưng khi được ông Hợp chỉ đạo, kiểm sát viên tiến hành làm các thủ tục để ông Hợp ký. Hành vi của ông Sơn giúp sức cho ông Hợp để “ra quyết định trái pháp luật”. Tuy nhiên, ông Sơn chỉ là người làm theo chỉ đạo của ông Hợp. Mặt khác, với tội danh “ra quyết định trái pháp luật” chủ thể đặc biệt là người ký các quyết định, vì vậy hành vi giúp sức của ông Sơn không cấu thành tội “ra quyết định trái pháp luật”.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng kiến nghị xử lý theo quy định pháp luật đối với HĐXX của TAND tỉnh Thái Nguyên, các thành viên HĐXX của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao (nay là TAND Cấp cao) tại Hà Nội và kiểm sát viên Viện Phúc thẩm (nay là Viện Cấp cao) bởi đã mặc nhiên công nhận thỏa thuận trái pháp luật của các đương sự và quyết định trái pháp luật của VKSND tỉnh Thái Nguyên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm