Nguyên phó thống đốc NHNN lý giải về các bút phê

Ngày 25-6, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án thiếu trách nhiệm gây thất thoát hàng ngàn chục tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB).

Các bị cáo hầu tòa gồm nguyên phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình, Hà Tấn Phước (nguyên tổ trưởng tổ giám sát, nguyên phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An), Phạm Thế Tuân (nguyên tổ phó tổ giám sát, nguyên phó giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP.HCM), Lê Văn Thanh (nguyên chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An) và Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên tổ giám sát, nguyên phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An) cùng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm...

HĐXX thẩm vấn ông Bình về các bút phê của bị cáo này.

Các bị cáo tại phiên xử.

Theo cáo trạng, quá trình điều tra, ông Bình không thừa nhận trách nhiệm trong vụ án này. Còn theo cáo buộc, vào ngày 4-9-2012, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN có tờ trình 1340/TTr-TTGSNH gửi ông Bình, kiến nghị NHNN cho phép áp dụng điều kiện đối với cổ đông sáng lập là cá nhân, tổ chức khi thành lập ngân hàng thương mại cổ phần và cam kết không dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.

Trên thực tế ông Phạm Công Danh (lúc này là chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) đã tham gia nhóm cổ đông mới và đi vào hoạt động gây thiệt hại cho TRUSTBank trên 15.000 tỉ đồng. Ông Bình có bút phê vào tờ trình 1340 là: “Việc kiểm tra góp vốn sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện yêu cầu của Thủ tướng".

Trả lời HĐXX về bút phê này, ông Bình dẫn giải rằng có hai cấp chịu trách nhiệm về thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng là cơ quan giám sát NHNN và các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành. Trong vụ TRUSTBank, NHNN Chi nhánh Long An có trách nhiệm chính nhưng cơ quan thanh tra giám sát NHNN vẫn có quyền thanh tra giám sát TRUSTBank.

Quyết định số 12 của NHNN đã trao cho Chi nhánh NHNN tỉnh Long An một kênh thông tin, một “quyền lực” mạnh. Khi phát hiện sai phạm từ tổ giám sát thì Chi nhánh NHNN tỉnh Long An có quyền đình chỉ ngay lập tức tổ chức tín dụng đó. Trong trường hợp TRUSTBank, Chi nhánh NHNN được quyền này.

Ông Đặng Thanh Bình.

Trong quá trình phụ trách tái cơ cấu TRUSTBank, ông Bình nói quan tâm nhất là nguồn vốn của cổ đông, ông Bình được biết qua đề án tái cơ cấu TRUSTBank có sự tham gia của các cổ đông mới. “Bị cáo đã hỏi ông Hoàng Văn Toàn (lúc này chủ tịch HĐQT TRUSTBank) và ông Phạm Công Danh là có sự chuyển nhượng cổ đông không, hai ông này nói dự kiến chứ chưa xảy ra” - ông Bình trình bày.

Ngoài ra ông Bình cũng nói ông rất lo ngại vốn có phải cổ đông hay vay mượn hay năng lực tài chính thật sự của cổ đông, vì có quy định rằng đối với việc tăng vốn của cổ đông, có quy định cổ đông có trách nhiệm vốn, không được sử dụng vốn vay để góp vốn.

Từ đó ông Bình đã có bút phê vào tờ trình 1340 rằng: “Áp dụng như ngân hàng thành lập mới”. Ý nghĩa lời phê này, ông Bình giải thích rằng khi thành lập mới không sử dụng vốn vay - NHNN có 30 ngày xác minh tiền vay hay cổ đông.

Về bút phê tiếp theo có nội dung: “Việc kiểm tra vốn góp sẽ được kiểm tra sau này” - theo ông Bình, vì chỉ có quy định cổ đông chịu trách nhiệm về vốn mà không có quy định khác nên ông phê như vậy nhằm xem xét “hậu kiểm” sao cho làm đúng với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là các nhà đầu tư phải có năng lực tài chính…

Để làm rõ các giải thích về bút phê của ông Bình, chủ tọa thông báo ngày mai triệu tập đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN đến phiên xử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm