Người phụ nữ cắn công an ở TP Thủ Đức vi phạm pháp luật ra sao?

Sự việc bà PTTD (43 tuổi, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM) đòi “thông” chốt kiểm soát, cắn tay công an... đã gây ra sự bất bình trong dư luận.

Ngày 16-8, Công an TP Thủ Đức cho biết đã tạm giữ bà D. để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo xác minh ban đầu, sáng 15-8, bà D. điều khiển xe máy lưu thông trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức). Khi đến chốt kiểm soát gần giao lộ Nguyễn Duy Trinh - Nguyễn Thị Định, bà D. được yêu cầu dừng lại để khai báo y tế.

Không những không chấp hành hiệu lệnh, bà D. còn tiếp tục điều khiển xe máy lưu thông. Do đó, một chiến sĩ công an tại chốt đã chặn xe bà D. lại và bà này sau đó đã đánh vào mặt, cắn vào tay chiến sĩ công an.

Nhiều bạn đọc bày tỏ sự tức giận đối với hành động của bà D. và cho rằng cần phải xử nghiêm để răn đe.

Một chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại TP.HCM. Ảnh minh họa: NGUYỄN TÂN

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng (Đoàn LS TP.HCM), việc không chấp hành lệnh dừng xe để khai báo y tế, dùng tay đánh, dùng miệng cắn… công an đang thực thi nhiệm vụ tại chốt kiểm tra, kiểm soát thì có thể khẳng định bà D. đã có hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo đó, nếu cơ quan chức năng xác định hành vi của bà D. chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 20 Nghị định 167/2013 (quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự…). Mức phạt tiền sẽ từ 3-5 triệu đồng.

Ngoài ra với hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ thì bà D. cũng có thể bị phạt từ 2-3 triệu đồng theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013.

“Nếu xác định hành vi của bà D. đến mức phải truy cứu TNHS thì người này có thể bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS. Theo đó, mức phạt tối đa có thể lên đến 7 năm tù” - LS Hồng nhấn mạnh.

Cần lưu ý rằng, với hành vi không khai báo y tế, bà D. cũng có thể bị xử phạt VPHC theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020 với mức phạt 10-20 triệu đồng. Thậm chí, trong trường hợp không khai báo y tế dẫn đến làm lây lan dịch bệnh có thể bị xử lý hình sự theo Điều 240 BLHS về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Theo đó, mức phạt tù tối đa có thể lên đến 12 năm.

“Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19 thì những hành vi vô ý thức, vi phạm pháp luật như của bà D. cần được xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra” - LS Hồng nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm