Vụ “Thêm một nghi án oan lạ kỳ ở Bình Chánh”

Người cụt 2 chân không phạm tội!

Chẳng cần phải đọc hồ sơ vụ án hay tiến hành tố tụng vụ án này tôi cũng có thể khẳng định hành vi của ông Văn Công Bình không phạm tội chống người thi hành công vụ như TAND huyện Bình Chánh đã kết án (và TAND TP.HCM hủy để điều tra lại).

Vấn đề cần bàn là tại sao TAND TP.HCM không tuyên bố ông Công Bình không phạm tội ngay mà hủy để điều tra lại, cho dù trước đó TAND huyện Bình Chánh vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng?

Tòa án cấp phúc thẩm chỉ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong trường hợp nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Còn trường hợp tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì chỉ được hủy bản án để tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại.

Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và tòa án cấp phúc thẩm xét thấy bản án của tòa án cấp sơ thẩm đã kết án oan bị cáo thì tòa án cấp phúc thẩm phải tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Về các tình tiết của vụ án, CQĐT, VKSND huyện Bình Chánh đã điều tra đầy đủ, đã ra cáo trạng và tòa án cấp sơ thẩm đã kết án bị cáo. Và tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết nào mới thì tòa án cấp phúc thẩm không được hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Ông Văn Công Bình nói: “Tôi và ông Bình công an chỉ giằng co nhau chuyện mời rượu chứ tôi cụt chân thế này thì chống ai”. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Vụ việc xảy ra đêm 24-1-2014 ở ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM giữa ông Nguyễn Nhật Bình (cảnh sát khu vực ấp 1) và ông Trần Duy Nam (dân quân xã) với ông Văn Công Bình đã được điều tra đầy đủ. Việc ông Công Bình có to tiếng hay định hành hung ông Nhật Bình chẳng liên quan gì đến nhiệm vụ của ông Nhật Bình cả, đó chỉ là cá nhân với cá nhân; lời qua tiếng lại dẫn đến cả hai té xuống sông (nếu đúng là có té).

Ông Công Bình không phải là chủ quán mà chỉ là khách ngồi nhậu nên ông chẳng có lý do gì để cản trở việc thi hành công vụ (nếu có) của ông Nhật Bình. Hơn nữa, ông Công Bình lại bị cụt hai chân, có muốn chống lại ông Nhật Bình cũng chẳng được. Trong cuộc sống, những chuyện tương tự ở quán nhậu không phải là hiếm.

Quá trình điều tra, ông Công Bình lại không thừa nhận hành vi như cáo buộc của CQĐT, VKS và TAND huyện Bình Chánh. Ông Nhật Bình cũng không yêu cầu xử lý ông Công Bình về hành vi cố ý gây thương tích.

Giả thiết người làm chứng có mặt tại hiện trường đều xác nhận sự việc như cáo buộc của cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh thì hành vi của ông Công Bình cũng không phải là hành vi phạm tội chống người thi hành công vụ. Còn muốn truy cứu trách nhiệm hình sự ông Công Bình tội cố ý gây thương tích thì phải trưng cầu giám định đối với ông Nhật Bình. Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến sự việc thì dù ông Nhật Bình có đi giám định cũng chẳng có tỉ lệ thương tật. Còn nếu ông Nhật Bình có bị “gãy nứt xương mũi” (như cáo buộc của cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh) đi nữa thì cũng là do ông ngã xuống sông chứ không phải do ông Công Bình gây nên.

Như vậy, dù xét ở khía cạnh nào thì cũng không thể xác định hành vi của ông Công Bình là hành vi phạm tội được. Do đó CQĐT hoặc VKSND huyện Bình Chánh nên ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với lý do hành vi của ông Công Bình không cấu thành tội phạm. Sau đó TAND huyện Bình Chánh tổ chức xin lỗi, bồi thường oan cho ông Công Bình để trả lại công bằng cho ông.

Nếu cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh đình chỉ với căn cứ do chuyển biến tình hình theo khoản 1 Điều 25 BLHS thì đây là việc né tránh trách nhiệm xin lỗi, bồi thường oan. Cơ quan tố tụng cấp trên cần chỉ đạo để họ hủy quyết định đình chỉ này rồi ban hành quyết định đình chỉ với lý do hành vi không cấu thành tội phạm mới đúng luật.

Đình chỉ do chuyển biến của tình hình

Chiều 25-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đâu, Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết cơ sở pháp lý để CQĐT đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can tội chống người thi hành công vụ đối với ông Văn Công Bình là khoản 1 Điều 25 BLHS (miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa).

PV đặt nhiều câu hỏi về vụ án này như tình hình chuyển biến theo khoản 1 Điều 25 BLHS là tình hình gì; ông Nhật Bình có đang thi hành công vụ không khi chủ quán đã đi vào nhà vì ông Nhật Bình đã nhắc nhở xong; trách nhiệm của VKS đến đâu khi phê chuẩn các quyết định khởi tố, sau đó ra cáo trạng truy tố ông Công Bình hai lần…?

Tuy nhiên, ông Đâu cho biết không thể trả lời vì toàn bộ hồ sơ đã chuyển và báo cáo về VKSND TP.HCM; khi có quyết định sau cùng, ông sẽ thông tin cho báo chí.

PV cũng liên hệ với ông Lê Văn Hải, Phó Trưởng phụ trách Công an huyện Bình Chánh, để đăng ký làm việc liên quan đến việc đình chỉ đối với ông Công Bình. Tuy nhiên, ông Hải cho biết ông bận đến hết tuần, không thể trả lời.

Cụt 2 chân chống người thi hành công vụ!

Theo cáo trạng của VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM, đêm 24-1-2014, ông Nguyễn Nhật Bình, cảnh sát khu vực ấp 1 (Công an xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) và một dân quân xã tuần tra trên địa bàn. Khoảng 23 giờ, thấy quán ăn Tuấn Hưng vẫn còn hoạt động nên ông Nhật Bình gọi chủ quán ra nhắc nhở. Lúc này, ông Công Bình và bạn nhậu thấy ông Nhật Bình liền nói với ra mời rượu nhưng ông Nhật Bình từ chối. Sau đó theo cáo trạng, ông Công Bình (cụt hai chân) đã chống người thi hành công vụ ông Nhật Bình khiến ông này té xuống sông.

Quá trình điều tra, ông Công Bình không thừa nhận hành vi như cáo buộc. Dù vậy cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh vẫn khởi tố, truy tố và kết án ông chống người thi hành công vụ. Sau đó thì TAND TP.HCM hủy án để điều tra lại vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Sau khi ban hành cáo trạng lần hai giữ nguyên quan điểm truy tố, VKS chuyển hồ sơ qua tòa nhưng tòa đã trả hồ sơ. VKSND huyện Bình Chánh đã trả hồ sơ cho công an. Đến nay Công an huyện Bình Chánh đã đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với căn cứ do chuyển biến của tình hình.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm