Người chuyển giới chưa thể đổi đăng ký hộ tịch

Nguyễn Danh Tân (34 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết để có được ngoại hình giống như nữ giới, Tân đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn và nguy hiểm. Hiện nay bản thân còn chịu nhiều di chứng về sức khỏe, phải thường xuyên uống thuốc để điều trị, trí nhớ hạn chế. Tuy nhiên, khi Tân đăng ký chuyển đổi giấy tờ nhân thân từ nam sang nữ thì chưa được chấp thuận, khiến gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt. 
Chuyện của hai người chuyển giới
Tân kể dù giấy khai sinh là nam nhưng đến khoảng tám tuổi, Tân đã nhận thức mình có xu hướng nữ tính. Những trò chơi, thói quen sinh hoạt của các bé trai cùng lứa tuổi không thu hút ông. Trái lại, cách ăn mặc, thói quen sinh hoạt điệu đà của các bé gái lại làm Tân chú ý. 
“Một thời gian dài, tôi phải cắt tóc ngắn, nói năng, đi lại, ăn mặc để giống các bạn nam khác. Tuy nhiên, khi buộc phải làm những điều trái với sở thích, tính cách khiến tôi rất khó chịu, bức bối” - Tân kể. 
Năm 2006, Tân giấu gia đình, một mình sang Thái Lan thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Trái với dự tính ca phẫu thuật sẽ được thực hiện ở một bệnh viện lớn thì Tân chỉ đủ điều kiện làm ở một thẩm mỹ viện thiếu những thiết bị hiện đại để đảm bảo tính an toàn cao. 
Như nhiều người trước khi phẫu thuật, Tân cũng phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm với bác sĩ về trường hợp có thể gặp sự cố trong khi phẫu thuật, thậm chí là thiệt mạng. Tuy nhiên, mong muốn trở thành một phụ nữ đã thôi thúc Tân làm tất cả để hình hài được “biến hóa”. 
Tân kể: “Ca phẫu thuật thành công nhưng mạng sống của tôi chỉ còn lại một nửa. Suốt thời gian hậu phẫu, tôi phải nằm lại phòng mổ một mình vì không có người thân, nửa tỉnh nửa mê, đau đớn vô cùng”. 
Trường hợp khác là Bùi Thành Công (32 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM). Thời điểm Công phát hiện mình thuộc về giới nữ là năm 10 tuổi khi ông bắt đầu cảm thấy thích thú khi nhìn mẹ trang điểm, mặc váy áo. Năm 2010, Công cũng đi Thái Lan để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi hình dáng bên ngoài. Công ý thức được rằng quyết định ấy là rất mạo hiểm nhưng vì mong muốn nên ông quyết làm. 

Bùi Thành Công sau khi đã thay đổi ngoại hình từ nam thành nữ.
Ảnh: MINH VƯƠNG

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần và tìm hiểu thông tin về phẫu thuật chuyển giới nhưng qua nhiều cuộc phẫu thuật thể xác Công như chết đi sống lại. Không may cho Công, khi những vết thương bị nhiễm trùng, ngoài việc điều trị những vết thương chưa thành, Công còn phải uống nhiều loại thuốc khác nữa. 
“Tôi biết sức khỏe sau phẫu thuật chuyển giới sẽ bị nhiều di chứng nhưng nếu được chuyển đổi giới tính trên giấy tờ thì chúng tôi sẽ được an ủi phần nào” - Công nói.

Vướng vì chưa có luật về chuyển đổi giới tính

Sau phẫu thuật, có được cơ thể giống như nữ giới nhưng người chuyển giới lại gặp vướng mắc vì giấy tờ liên quan đến nhân thân của mình vẫn là nam. Tân kể về một lần đi khám bệnh liên quan đến “vùng kín”, phía bệnh viện bối rối vì không biết xếp ông vào phòng khám nam khoa hay phụ khoa. 
Sau đó, Tân gửi đơn đến Phòng Tư pháp quận 3, TP.HCM yêu cầu giải quyết việc thay đổi giới tính trên các giấy tờ nhân thân. Trong đơn, Tân trình bày đã thực hiện hoàn tất việc phẫu thuật, cơ thể đã giống nữ giới. Bệnh viện cũng xác nhận điều này bằng văn bản. 
Tuy nhiên, ngày 17-11-2020, Phòng Tư pháp quận 3 trả lời bằng văn bản cho rằng trường hợp của Nguyễn Danh Tân là chuyển đổi giới tính nên việc thực hiện thay đổi hộ tịch sẽ được thực hiện theo quy định của BLDS. Tuy nhiên, luật về chuyển đổi giới tính chưa được ban hành nên chưa có cơ sở pháp lý để công nhận và thực hiện việc thay đổi hộ tịch. Do đó cơ quan này từ chối giải quyết yêu cầu của Tân.
Theo luật sư Đặng Đức Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, BLDS 2015 đã quy định quyền được chuyển đổi giới tính và quyền được thay đổi giấy tờ hộ tịch sau khi chuyển giới.
Cụ thể, Điều 37 BLDS 2015 (về chuyển đổi giới tính) quy định: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định về pháp luật hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của luật này và các luật khác có liên quan. 
Do vậy, cần xem lại việc từ chối của Phòng Tư pháp quận 3 đối với yêu cầu thay đổi giấy tờ nhân thân của Nguyễn Danh Tân. Với lý do này thì không chỉ Tân mà rất nhiều người đã phẫu thuật chuyển giới không được giải quyết về vấn đề nhân thân. Trong khi các vấn đề sinh hoạt hằng ngày gắn với giấy tờ liên quan đến nhân thân, tài sản, quyền công dân lại rất cần thiết.
TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng Khoa luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng những người muốn chuyển giới tự tìm kiếm để thực hiện phẫu thuật chuyển giới là xuất phát từ nhu cầu của bản thân họ. Tuy nhiên, việc xác nhận lại giới tính của họ trên giấy tờ hiện là vấn đề khó dù Điều 37 BLDS 2015 đã “bật đèn xanh”. 
Bởi lẽ cần phải có các quy định cụ thể về việc thực hiện thủ tục thay đổi giấy tờ nhân thân của họ, trong khi BLDS chưa có hướng dẫn mà chỉ có nguyên tắc chung. Vì vậy phải có luật về chuyển đổi giới tính để việc thay đổi đăng ký hộ tịch cho người chuyển giới được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. “Việc những người chuyển giới chưa thể đăng ký thay đổi hộ tịch hiện nay cũng là điều dễ hiểu” - TS Tiến nói.
 Có thể xác nhận bằng một văn bản?
Theo một thẩm phán công tác tại TP.HCM (xin không nêu tên), khi luật chuyển đổi giới tính chưa có thì những quy định về trình tự, thủ tục để công nhận hộ tịch của người chuyển giới chưa thể tiến hành. Do vậy, người chuyển giới yêu cầu cơ quan chức năng công nhận mình là nữ hiện còn gặp khó. 
Tuy nhiên, việc ghi nhận thông tin nhân thân của người đã hoàn tất việc chuyển giới không phải là điều không thể. Nếu BLDS đã ghi nhận nguyên tắc chung thì cơ quan nhà nước có thể linh hoạt xác nhận bằng một loại văn bản. Đó là tờ xác nhận thông tin nhân thân mới từ nam sang nữ sau thời điểm có xác nhận của bệnh viện là đã chuyển giới thành công. Tờ giấy này sẽ tạo điều kiện cho người chuyển giới nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và các quyền của họ ít bị ảnh hưởng trong cuộc sống hằng ngày. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm