Người bị oan xuyên 2 thế kỷ sắp được xin lỗi công khai

Ngày 15-1 tại Công an tỉnh Đắk Lắk, cơ quan này đã làm việc với ông Nguyễn Lâm Sáu (78 tuổi, ngụ phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) về việc sẽ tổ chức buổi xin lỗi công khai vì đã làm oan ông từ 33 năm trước.

Theo biên bản làm việc, hai bên thống nhất buổi xin lỗi công khai sẽ được diễn ra vào ngày 8 giờ sáng 26-1 tới, tại trụ sở UBND phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột.

Cũng theo biên bản hai bên thống nhất, tiêu đề của buổi xin lỗi là: Công an tỉnh Đắk Lắk công khai xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu về việc vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự xảy ra vào năm 1985 dẫn đến oan sai.

Ông Nguyễn Lâm Sáu.

Đây là vụ án oan khá hy hữu vì đã xuyên hai thế kỷ, kéo dài 33 năm, trải qua nhiều năm kiên trì phản ánh của bản thân ông Sáu và gia đình người bị oan.

Theo đó, sau khi đi học ở Liên Xô về, ông Sáu được điều động vào Đắk Lắk công tác tại nông trường Ea Kao. Tại đây do phát hiện nhiều sai phạm, tiêu cực nên ông đã làm đơn tố cáo đến các cấp chính quyền. Thanh tra tỉnh sau đó đã kết luận nội dung tố cáo của ông là đúng sự thật nhưng ông bị cho nghỉ việc...

Ngày 14-11-1985, ông Sáu bất ngờ bị công an tỉnh bắt tại nhà riêng vì nghi ngờ buôn bán hàng trái phép. Lệnh bắt không có sự phê chuẩn của VKS, khi công an bắt người không có đại diện chính quyền địa phương chứng kiến. Trong biên bản bắt, công an thu giữ... một chai 65 ml dầu cam đã hư hỏng để làm vật chứng.

Chín ngày sau, ông Sáu được thả bằng “Lệnh tạm tha” của công an tỉnh với nội dung: “Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, đúng giờ”... Nhưng cũng từ đó ông Sáu không hề thấy tờ giấy gọi nào của cơ quan pháp luật. Cũng từ đó ông Sáu và người con trai gửi đơn đi khiếu nại, kêu cứu khắp nơi.

Biên bản làm việc ngày 15-1.

Tháng 7-2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh khẩn trương kiểm tra, kết luận vụ việc. Tháng 2-2009, UBND tỉnh có Công văn 398, nội dung là công an tỉnh nhận trách nhiệm làm sai tố tụng trong quá trình bắt tạm giam, tạm tha và không khởi tố vụ án nhưng lại không có quyết định rõ ràng, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần đối với ông Sáu. UBND tỉnh chỉ đạo: “Công an tỉnh phải có văn bản chính thức công khai xin lỗi ông Sáu”...

Tháng 7-2009, Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển đơn của ông đến VKSND Tối cao xem xét, giải quyết. Ba tháng sau, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chuyển đơn của ông đến Bộ Công an, VKSND Tối cao. Sau đó có nhiều cơ quan khác yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc nhưng mãi đến nay Công an tỉnh Đắk Lắk mới chịu công khai xin lỗi vì đã bắt “nhầm” ông Sáu.

Công an tỉnh Đắk Lắk từng nhiều lần gặp trực tiếp ông Sáu để đối thoại nhưng đến nay mới có thể đi đến thống nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm