Nghi án oan do việc định giá thiệt hại sai

VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa có thông báo rút kinh nghiệm với cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của tỉnh Long An khi đã khởi tố, điều tra xét xử đối với ông Trương Văn Danh về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.

Tháng 8-2014, ông L. là cán bộ địa chính xã Mỹ Quý Đông (huyện Đức Huệ) cùng đoàn công tác đến đất nhà ông Danh để cắm mốc xác định ranh giới đất do Nhà nước quản lý. Ông L. dựng xe máy trong khuôn viên đã được cắm mốc. Ông Danh cầm cuốc đến chỗ chiếc xe hỏi: “Xe này của ai, đẩy ra khỏi đất tao, nếu không tao đập…”. Ông L. trả lời: “Xe của tôi, ông có đập thì đập...”. Nghe vậy, ông Danh cầm cuốc đập vào phần đầu chiếc xe làm bể mặt đồng hồ rồi bỏ đi.

Thụ lý vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Huệ ra quyết định trưng cầu định giá thiệt hại trong tố tụng hình sự. Hội đồng định giá được thành lập đã xác định giá trị thiệt hại các bộ phận bị hư hỏng của chiếc xe do ông Danh gây ra là 2,2 triệu đồng.

Trong khi đó, thực tế ông L. mang xe đến cửa hàng thay thế mới các bộ phận bị hư, hết tổng cộng 1,8 triệu đồng (có hóa đơn GTGT). Sau đó bản thân ông Danh và ông L. đã thỏa thuận xong việc ông Danh bồi thường đủ 1,8 triệu đồng nêu trên. Nhưng tháng 10-2014, Công an huyện Đức Huệ vẫn ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Danh về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.

Tháng 4-2016, TAND huyện Đức Huệ xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Danh sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ông Danh kháng cáo kêu oan. Hai tháng sau TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm, bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

Đầu năm 2017, chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Sau đó Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị hủy cả hai bản án trên để điều tra lại.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng đối với tội cố ý làm hư hỏng tài sản thì hậu quả là dấu hiệu bắt buộc. Theo khoản 1 Điều 143 BLHS, thiệt hại của tài sản phải từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu thiệt hại dưới 2 triệu đồng thì phải gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới bị xem là cấu thành tội phạm. Trong vụ này không có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, ông Danh cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội danh này.

Đặc biệt, Cơ quan CSĐT công an huyện không lập biên bản và chụp ảnh xác định các bộ phận của xe bị hư hỏng để làm căn cứ định giá thiệt hại. Hội đồng giám định thiệt hại căn cứ vào bảng báo giá của cửa hàng bán xe để kết luận giá trị tài sản bị thiệt hại là hơn 2,2 triệu đồng là không đúng. Việc này vi phạm khoản b điểm 1 và khoản d điểm 2 Mục II Thông tư 55/2006 của Bộ Tài chính (hướng dẫn một số điều của Nghị định 26/2005 của Chính phủ về hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự).

Theo đó, mức giá được xác định để làm cơ sở cho việc định giá thiệt hại là mức giá bình quân của tháng. Đối với tài sản đã qua sử dụng thì phải kiểm định, đánh giá chất lượng còn lại của tài sản sau khi đã tính hao mòn đã qua sử dụng để xác định giá trị còn lại. Bảng báo giá mà cửa hàng xe báo cho hội đồng định giá trong vụ này là báo giá của phụ tùng mới 100% trong khi xe máy của ông L. đã qua sử dụng.

Cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của tỉnh Long An đã thiếu kiểm tra tính có căn cứ trong kết luận định giá của hội đồng định giá tài sản mà căn cứ vào đó để xử lý ông Danh về tội danh trên là sai. Vì thế, việc cấp giám đốc thẩm hủy cả hai bản án để điều tra lại là đúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm