Ngân hàng đòi bồi thường hơn 3000 tỉ

Ngày 13-6, TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô), gây thiệt hại cho VCB Tây Đô hơn 1.800 tỉ.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 13-6. Ảnh: NN

Có 11 bị cáo bị truy tố, trong đó ba bị cáo Nguyễn Minh Chuyển (nguyên Giám đốc VCB Tây Đô), Trần Anh Huy, Nguyễn Hữu Nghĩa bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3, Điều 179 BLHS năm 1999.

Tám bị cáo Nguyễn Hùng Cường (em ruột Chuyển), Nguyễn Công Trừng (em ruột Chuyển), Cao Hoàng Thám, Võ Vũ Bình, Võ Hoàng Thám, Trang Hồng Sơn, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng cùng bị truy tố theo điểm a, khoản 4, Điều 139 BLHS năm 1999.

Tại phiên tòa hôm nay, chủ tọa yêu cầu VKS trong phần hỏi làm rõ các nội dung liên quan đến những vấn đề điều tra bổ sung mới, đặc biệt những vấn đề mà bị cáo còn khiếu nại.

Khi được hỏi, bị cáo Nguyễn Minh Chuyển (nguyên Giám đốc VCB Tây Đô) cho biết, sai phạm lớn nhất của bị cáo là gây thiệt hại cho VCB. 

Bị cáo Nguyễn Minh Chuyển. Ảnh: NN

Bị cáo Trần Anh Huy (nguyên Trưởng phòng Khách hàng VCB Tây Đô) cho biết những hồ sơ không đủ điều kiện đều báo cáo giám đốc. VKS cho rằng tất cả các hồ sơ trong vụ án này đều không đủ điều kiện vay nhưng bị cáo đều duyệt trình lên giám đốc hết.

Trách nhiệm của giám đốc là có nhưng trách nhiệm bị cáo là trưởng phòng, thành viên Hội đồng tín dụng, trách nhiệm của bị cáo rất quan trọng. Bị cáo phải xem hết nhưng tất cả các hồ sơ nhưng hồ sơ nào bị cáo cũng đồng ý cho vay.

Bị cáo Nghĩa cho mình chỉ là cán bộ tín dụng, không quyết định gì hết. Tuy nhiên, bị cáo này đồng ý với nội dung cáo trạng đã truy tố.

VKS hỏi bị cáo Võ Vũ Bình (nhóm du lịch Đại Dương), đại diện VKS cho biết, tại bút lục 29472, bị cáo thừa nhận được giải ngân hơn 134 tỉ sử dụng vào nuôi trồng thủy sản, kinh doanh nhà hàng, mua bán bất động sản bị thua lỗ. Bị cáo Bình cho rằng biên bản làm việc này không đúng sự thực và nói rằng đã lâu không nhớ. Sau đó, Bình xin được xem lại biên bản này và thừa nhận chữ viết trong biên bản là của mình.

VKS cho rằng, qua biên bản làm việc trên thể hiện bị cáo có vay, đã sử dụng vốn vay, nhưng Bình nói không đúng và nói “hôm nay sự thật sẽ phơi bày”. Sau đó, Bình cho biết nhóm du lịch Đại Dương bị lừa.

Theo bị cáo Bình, nhóm du lịch Đại Dương làm ăn lúc đầu mười mấy tỉ thôi. Qua ăn nhậu, bị cáo quen với bị cáo Chuyển. Từ đó mới có chuyện vay tiền ngân hàng, mua đất của bị cáo Huy… Bình cho rằng bị cáo Chuyển làm hồ sơ cho bị cáo vay tiền nhưng bị cáo không ký và lấy tiền từ khoản vay của bị cáo giải cứu một số công ty. Được hỏi tại tòa, bị cáo Chuyển thừa nhận có giới thiệu đất bên Cồn Khương cho Bình, ngoài ra không làm gì nữa.

Bị cáo Võ Vũ Bình cho rằng nhóm công ty của bị cáo mới là bị hại bị lừa. Ảnh: NN

Đại diện VKS cho biết, Hợp đồng tín dụng 88 có 14 ủy nhiệm chi, bị cáo ký chuyển tiền tới nhiều công ty, trong đó có cả công ty của bị cáo. Sau đó dòng tiền chảy ngược về công ty du lịch Đại Dương của bị cáo hơn 68 tỉ nên bị cáo nói bị cáo không ký là không chính xác. 

Vũ Bình nói đó chữ ký giả và yêu cầu giám định lại, đồng thời cho rằng công ty du lịch Đại Dương của bị cáo mới là bị hại bị lừa đảo. Đại diện VKS nói đồng ý dòng tiền lúc đầu có đi đảo nợ ở các công ty khác nhưng sau đó đã quay về Đại Dương. 

“Nhóm công ty Đại Dương làm ăn đàng hoàng. Vay 37 tỉ mà ôm cục nợ 135 tỉ rất khủng khiếp, phải hỏi tại sao bị cáo khiếu nại khắp nơi. Bị cáo bị bắt giam phải bán tháo tài sản” – bị cáo Bình phân trần.

Đại diện VCB Tây Đô xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ của ngân hàng. Đồng thời VCB yêu cầu các doanh nghiệp, pháp nhân, cá nhân liên quan thanh toán số tiền nợ gốc, nợ lãi và nợ quá hạn hơn 3.000 tỉ tính đến ngày 31-5-2019. 

PLO sẽ cập nhật thông tin về phiên tòa trong các bản tin tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm