Nâng mức phạt tiền xúc phạm danh dự, nhân phẩm

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Tổ chức Sở Tư pháp TP.HCM báo cáo mở đầu là hội thảo về tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trên địa bàn TP.

Trong 10 năm qua, Sở Tư pháp đã bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 1600 lượt cán bộ, công chức các Sở, ngành, quận-huyện, phường-xã-thị trấn. Đồng thời, Sở Tư pháp đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố gần 300 cán bộ, công chức. Góp ý, thẩm định hơn 2500 lượt dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND TP. Biên soạn phát hành tài liệu tuyên truyền về bình đẳng giới với hơn 170 ngàn tờ gấp về Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình, với hơn 70 ngàn quyển Luật, Bộ luật….

Ông Nguyễn Văn Vũ, phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, phát biểu tại hội thảo.

BáoPháp Luật TP.HCM(đơn vị trực thuộc của Sở Tư pháp TP.HCM) có nhiều tin, bài nhằm tuyên truyền, thông tin các quy định của pháp luật bình đẳng giới và các quy định pháp luật có liên quan đến bạn đọc.

Mặc dù các quy định pháp luật về giới cơ bản đã đầy đủ nhưng định kiến về giới vẫn còn ít nhiều tồn tại trong xã hội và mỗi gia đình Việt Nam. Để ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề này, Sở Tư pháp có kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Vì nghị định này được ban hành trước khi có Luật Xử lý vi phạm hành chính và mức phạt đối với một số hành vi còn thấp nên thiếu tính răn đe.

Về vấn đề này, Phòng kiểm tra văn bản (Sở Tư pháp TP), góp ý nâng mức phạt tiền đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm vì hiện nay mức phạt này rất thấp từ 200 đến 500 ngàn đồng. Đồng thời cần quy định các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm liên quan đến giới được phát tán rộng rải qua các kênh thông tin khác nhau như báo chí, internet, mạng xã hội, tin đồn….

Căn cứ khoản 4 Điều 14 Luật Bình đẳng giới quy định “Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”.

Theo đó, Nghị định 48/2009 của Chính phủ quy định Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác có liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện……nội dung tại Điều 14 Luật trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện quy định này gây ảnh hưởng đến quyền được tham gia đào tạo, bồi dưỡng của nữ công chức, viên chức.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM  (phải) tại hội thảo.

Góp ý tại hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng mặt dù nhà nước đã nỗ lực trong công tác bình đẳng giới nhưng vẫn còn khoảng cách giữa quy định pháp luật và thực tế.

Với mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và phát triển nguồn nhân lực tiến tới bình đẳng thực chất giữa nam, nữ. Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã đặt ra nguyên tắc “bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật”.

Tuy nhiên, nguyên tắc này chưa được đảm bảo thực hiện, điển hình là Luật trợ giúp pháp lý hiện hành chưa có quy định nhằm bảo vệ nạn nhân bất bình đẳng. Theo thống kê của ngành tòa án thì từ năm 2011 đến 2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam có 64 phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành gia đình.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 20 phụ nữ bị thiệt mạng do bạo lực gia đình. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND còn thấp… Làm sao để quy định cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân được thực thi một cách tuyệt đối trên thực tế trong khi vẫn chưa có cơ chế đảm bảo thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Vũ, phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM phát biểu kết thúc  hội thảo này là một phần trong chương trình  tổng kết báo cáo 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm