Nạn nhân sập bẫy 15.000 tỉ tiền ảo sẽ trắng tay?

Dư luận đang quan tâm vụ nhiều người dân vì ham "lãi suất khủng" nên đã đầu tư vào tiền ảo có tên là Ifan và Pincoin do Công ty Cổ phần Modern Tech (tọa lạc tại tòa nhà 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) huy động. Hậu quả là các nhà đầu tư đứng trước nguy cơ mất trắng tiền tỉ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến về vụ việc này.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Cẩn xử lý những người trung gian

Vụ huy động vốn bằng tiền ảo này được thực hiện theo mô hình đa cấp. Những người ở cấp trung gian đã dụ dỗ, lôi kéo người khác góp vốn. Tuy nhiên, hiện tại gần như không xử lý được, thậm chí còn coi họ là nạn nhân trong sự việc dù chính cấp trung gian này mới tạo ra thiệt hại lớn. Tôi cho rằng phải xử lý tất cả những người có vai trò chính, nhất là đã thu được nhiều lợi nhuận từ việc tham gia bán hàng đa cấp trái pháp luật. Làm như vậy may ra mới ngăn chặn được các vụ lừa đảo tương tự.

Những người huy động vốn trái phép trong vụ này nếu có thủ đoạn gian dối thì có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu không thì có thể xử tội kinh doanh đa cấp trái pháp luật. Công ty này từng tổ chức khá nhiều sự kiện huy động vốn công khai nhưng cơ quan quản lý nhà nước không kịp thời phát hiện để ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra cho người dân.

Vụ sập bẫy này không phải là vụ đầu tiên, một trò lừa đảo với hình thức rất xưa cũ, rất “kinh điển” bằng lãi suất cao bất hợp lý nhưng người dân vẫn mắc lừa. Tôi cho rằng bên cạnh một số người không biết thì có thể nhiều người biết rất rõ nhưng vẫn cứ tranh thủ, hy vọng, cứ nghĩ rằng mình sẽ rút ra sớm, ở tốp trên thì được ăn, còn sau này nó sập, nó chết thì người khác lãnh hậu quả.

Theo tôi, ngay bây giờ  phải  có ngay động thái chấn chỉnh, ít nhất các cơ quan nhà nước phải ra cảnh báo rất rõ ràng và kiên quyết để người dân biết về mức độ rủi ro rất cao.  

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Cần tố giác công an ngay

Từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 BLHS 2015 tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Dự án ifan đưa lên trang điện tử của mình nhiều hình ảnh có các nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo gian dối nhằm lấy tiền nhà đầu tư.  Do đó người bị hại nên có đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Luật sư KIM RON THA, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Một câu chuyện pháp lý thú vị

Đây là câu chuyện pháp lý rất hay vì Việt Nam không coi tiền ảo là tài sản. Hoạt động kinh doanh loại tiền này không được pháp luật thừa nhận tại Việt Nam. Những người tham gia vào quan hệ pháp luật bị cấm thì sẽ không phải là chủ thể được pháp luật bảo vệ.

Thứ nhất, như quy định hiện hành thì quan hệ này không được pháp luật thừa nhận tại Việt Nam, nên mọi giao dịch giữa các nhà đầu tư với công ty này là giao dịch vô hiệu. Nên có thể kiện dân sự để đòi lại tiền.

Thứ hai, về việc có gửi đơn khởi tố hình sự để bảo vệ hay không? Quan điểm luật sư đây là cái quyền của các nhà đầu tư. Họ có quyền yêu cầu xử lý hình sự. Tuy nhiên, khi các bên giao dịch đều có ký hợp đồng góp vốn đầu tư nên phải xem nội dung các bên thỏa thuận.

Thứ ba, nếu thật sự có việc gian dối của công ty như sử dụng ảnh hưởng của người nội tiếng... để chiếm đoạt tiền thì đây cũng là yếu tố cấu thành tội phạm...

Có thể hợp đồng giao dịch sẽ rất bất lợi cho nhà đầu tư vì họ không hiểu hết hoặc không đọc kỹ hợp đồng.

Luật gia NGUYỄN THANH LƯƠNG, Hội Luật gia TP.HCM:

Luật không coi tiền ảo là phương tiện thanh toán

Nghị định 101/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016) không xem tiền ảo là một loại phương tiện thanh toán. Nghị định 96/2014 quy định việc xử phạt hành chính đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác).

Trước đây, các cơ quan tố tụng từng khởi tố, điều tra và xét xử về các hoạt động kinh doanh tiền ảo (bitcoin) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Ngày 21-8-2017, Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý xử lý đối với tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Đến nay, việc lưu hành tiền điện tử chưa được pháp luật thừa nhận và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Người đầu tư loại tiền này cần nên thận trọng, nhằm tránh rủi ro...

Đối với việc công ty huy động tiền với lãi suất cao nhằm thu hút người đầu tư như báo phản ánh thì tùy tính chất mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm về hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bởi lẽ tất cả đều không có thật: Thuê văn phòng ảo, không hoạt động, hứa lợi nhuận cao... Hiện không hoạt động gì, 15.000 tỉ đồng của nhà đầu tư hiện nay không biết ở đâu. Công ty nhận tiền và hợp đồng với nhà đầu tư nhưng không thực hiện...

Trong khi đề án Chính phủ chưa hoàn thiện, chưa biết bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung hay tiền ảo có được công nhận là hàng hóa hay không, thì việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin và các loại tiền điện tử khác như là một tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Trước đó, ngày 27-2-2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông cáo báo chí khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo khác tương tự.

Luật sư NGUYỄN MINH CẢNH, nguyên Thẩm phán TAND TP.HCM:

Các hợp đồng vô hiệu

Việc hoạt động kinh doanh tiền ảo hoàn toàn bị cấm, vậy các hợp đồng đều vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 123 BLDS 2015.

Căn cứ vào Điều 131 BLDS 2015, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường…

Các nhà đầu tư có quyền tố cáo cá nhân trong công ty kinh doanh tiền ảo có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của mình bằng hợp đồng hoặc hành vi phát hành các phương tiện thanh toán không hợp pháp. Cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội sử dụng máy tính, mạng thông tin, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Có dấu hiệu của tội lừa đảo

Nếu công ty này có ý thức ngay từ đầu như sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ, hưởng lợi nhuận cao… để thu hút đầu tư nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của những người gửi vào thì có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  

Theo tôi muốn xử lý tội danh này, cơ quan điều tra phải chứng minh Công ty Cổ phần Modern Tech hoạt động có đúng chức năng như đã đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước hay không. Việc công ty này đưa một mức lãi suất quá cao so với Nhà nước quy định để thu hút vốn, vậy số tiền này được sử dụng vào mục đích gì, có đúng như với cam kết với nhà đầu tư không?

Về phía nhà đầu tư: Nếu cơ quan điều tra xử lý hình sự thì quyền lợi của nhà đầu tư chỉ có thể xem xét ở số tiền đã rót về phía công ty này. Riêng số tiền với lãi suất khủng như hai bên đã thỏa thuận ban đầu thì không được pháp luật bảo vệ.

Luật sư NGUYỄN THỊ KIM VINH, nguyên thẩm phán TAND Tối cao

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm