Mức án đến 20 năm tù: Phải có luật sư?

Đại diện Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội cho hay hạn chế về tranh tụng tại phiên tòa hình sự hiện nay trước tiên xuất phát từ nguyên nhân tổ chức phiên tòa.

Luật hóa khái niệm tranh tụng

Đầu tiên, trình tự xét hỏi tại phiên tòa đang là một bất cập cần sớm khắc phục. Theo quy định hiện hành, việc hỏi tại phiên tòa được thực hiện theo thứ tự chủ tọa hỏi trước, rồi đến các hội thẩm nhân dân, sau đó mới đến các thành phần khác như kiểm sát viên, người bào chữa… “Thực tế, HĐXX hỏi để củng cố vững chắc quan điểm giải quyết án đã chuẩn bị sẵn khi nghiên cứu hồ sơ, làm cho việc hỏi của các chủ thể khác trong vụ án và việc tranh tụng nhiều khi trở thành hình thức” - vị thẩm phán này nói.

Cạnh đó, với nguyên tắc xét xử liên tục, HĐXX phải tuyên án ngay sau khi nghị án. Vì vậy, chủ tọa phiên tòa không thể không chuẩn bị trước bản án, điều này mâu thuẫn với yêu cầu “việc phán quyết của tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bức xúc trong dư luận về tình trạng “án bỏ túi”.

Luật sư đang tranh tụng với kiểm sát viên tại một phiên tòa. Ảnh: HTD

Ngoài ra, BLTTHS hiện hành không quy định rõ là tại phiên tòa, VKS chỉ thực hiện chức năng công tố, dẫn đến quan điểm cho rằng VKS thực hiện đồng thời hai chức năng là buộc tội và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án. Việc quy định VKS cấp sơ thẩm có quyền kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của HĐXX, ảnh hưởng đến sự bình đẳng của các bên trước tòa trong hoạt động tranh tụng. Thực tế không hiếm trường hợp khi kiểm sát viên đề nghị mà không được HĐXX chấp nhận thì lại “đe” sẽ kháng nghị.

Trước các bất cập trên, đại diện Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội cho rằng cần luật hóa khái niệm tranh tụng và quy định tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử, của việc tổ chức phiên tòa trong pháp luật tố tụng. Từ cơ sở này sẽ phân định rõ chức năng cơ bản của kiểm sát viên, luật sư và thẩm phán trong quá trình tranh tụng, làm cơ sở cho việc vận hành toàn bộ quá trình tố tụng.

Mở rộng trường hợp phải có người bào chữa

Ở một góc độ khác, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên nhận xét nếu quy định về người bào chữa vẫn giữ như hiện nay thì không bao giờ chất lượng tranh tụng được nâng cao.

Ông Tuyên phân tích: Điều 56 BLTTHS quy định người bào chữa gồm có luật sư, người đại diện hợp pháp và bào chữa viên. “Chúng ta quy định như vậy thì địa vị pháp lý của họ là ngang nhau. Nhưng người đại diện hợp pháp có đủ trình độ để tranh tụng không khi có người thậm chí không hiểu gì, không biết gì về luật? Thực tiễn xét xử tại TAND tỉnh Bắc Ninh cho thấy nhiều vụ án cơ quan điều tra đã cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho cha, mẹ, vợ, chồng… của bị can, trong khi những người này thậm chí còn không biết vận dụng quy định nào để bào chữa”.

Từ đó, ông Tuyên đề nghị bỏ người đại diện hợp pháp ra khỏi quy định về người bào chữa. Theo ông, theo Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, đến mốc thời gian đó sẽ có khoảng 20.000 luật sư, có thể đáp ứng được nhu cầu về người bào chữa.

Ông Tuyên cũng đề xuất mở rộng phạm vi bắt buộc phải có người bào chữa. Cụ thể là bị can, bị cáo bị truy tố, xét xử ở khung hình phạt có mức án đến 20 năm tù là bắt buộc phải có luật sư (quy định hiện hành chỉ bó hẹp ở trường hợp bị can, bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là tử hình; bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần, thể chất).

Đại diện Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội thì kiến nghị các bị cáo bị xét xử theo khung hình phạt có mức án đến tù chung thân phải có người bào chữa. Theo vị này, nếu án hình sự không có sự tham gia của người bào chữa thì phần tranh luận tại phiên tòa hết sức đơn giản bởi bị cáo khó có thể trình bày được nội dung bào chữa cũng như phản bác lại kết luận của đại diện VKS. Trường hợp này, HĐXX phải đóng vai “người bào chữa bất đắc dĩ” khi tự mình nhận xét trong bản án về những ý kiến, kết luận của VKS.

Kiểm sát viên phải ngồi ngang bằng với luật sư

Chỉ có ở Việt Nam mới có kiểu đại diện VKS ngồi ngang hàng với HĐXX, các nước không có chuyện đó. Phòng xử ở các nước, phía trên chỉ có HĐXX, còn phía dưới đại diện VKS ngồi ngang bằng với luật sư. Giới luật sư có lý khi cho rằng đại diện VKS là người tiến hành tố tụng nhưng anh là chủ thể buộc tội, tôi là chủ thể gỡ tội thì anh và tôi đều bình đẳng trong vấn đề tranh luận và đưa ra chứng cứ. Vậy tại sao anh ngồi trên, tôi lại phải ngồi dưới khi tranh luận?

Có nhiều người nói không cần quan tâm nhiều đến chuyện chỗ ngồi, ngồi đâu cũng được, miễn sao làm rõ được sự thật vụ án. Nhưng không hẳn như vậy! Đôi khi hình thức và nội dung cần phải hài hòa với nhau. Ở đây, chúng ta đang bàn đến câu chuyện bình đẳng.

Thẩm phán PHẠM MINH TUYÊN,
Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm