Mua hàng từ tàu ở nước ngoài về, tội gì?

Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm một vụ án gây nhiều tranh cãi về tội danh giữa VKS và tòa sơ thẩm.

“Rút ruột” hàng đem bán

Theo hồ sơ, Phạm Văn Đình (34 tuổi, quê Nam Định) là thuyền trưởng tàu Sunrise, cùng 19 thuyền viên nhận nhiệm vụ vận chuyển gần 6.000 tấn phân urê từ cảng Butterwort (Malaysia) về giao cho khách hàng tại cảng Khánh Hội (TP.HCM).

Trên đường vận chuyển, Đình cùng Đinh Văn Dân (thuyền viên)… lên kế hoạch lấy phân urê bán cho Võ Văn Tư và Trần Văn Pháo. Khoảng 11 giờ ngày 25-10-2015, khi nhóm Tư đang chuyển phân urê từ tàu Sunrise xuống sà lan để đưa vào bờ thì bị lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện, bắt quả tang.

Vào cuộc, CQĐT xác định lợi dụng việc được chủ tàu giao trách nhiệm giao nhận, quản lý, vận chuyển hàng, Đình và Dân nảy sinh ý định chiếm đoạt phân urê đem bán. Đình, Dân thỏa thuận giá cả, địa điểm lấy hàng với Tư và Pháo. Dù không bàn bạc trước nhưng có 14 thuyền viên trên tàu đã trực tiếp giúp sức dưới sự chỉ đạo của Đình, Dân để chiếm đoạt gần 93 tấn phân urê (giá trị khoảng 750 triệu đồng) bán cho Tư và Pháo để lấy 315 triệu đồng.

Vì vậy, 18 bị cáo gồm thuyền trưởng, thuyền viên và hai người mua hàng bị khởi tố, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Phạm Văn Đình bị dẫn giải về trại giam sau phiên xử sơ thẩm.  Ảnh: INTERNET

Tòa, VKS khác quan điểm về tội của người mua hàng

Sau khi thụ lý, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trả hồ sơ yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề, trong đó tòa đề nghị xem xét hành vi của hai người mua hàng là Tư, Pháo đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

CQĐT khẳng định Đình nhắn tin cho Tư bàn bạc, thỏa thuận giá mua bán và khối lượng hàng từ ngày 12-10-2015 (trước thời điểm lấy hàng từ tàu 13 ngày). Tư đã bàn bạc, thỏa thuận trước khi tội phạm xảy ra. Nếu không có sự bàn bạc, thỏa thuận và giúp sức của Tư thì Đình, Dân không thực hiện được tội phạm. Vì vậy, Tư là đồng phạm với các bị cáo khác về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Xử sơ thẩm hồi cuối năm 2017, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phạt Đình 10 năm tù, Dân bảy năm sáu tháng tù, các bị cáo thuyền viên khác từ hai năm án treo đến hai năm ba tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cạnh đó, tòa phạt Tư bảy năm tù, Pháo ba năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Theo tòa sơ thẩm, khi nhận được điện thoại từ Đình hỏi giá mua phân đạm, Tư gọi cho Pháo (làm thuê cho Tư) hỏi giá. Pháo liên hệ một phụ nữ tên Ngọc Anh hỏi giá và báo lại. Thỏa thuận xong giá cả, Tư gọi điện thoại cho Ngọc Anh để liên hệ địa điểm và phương tiện, sau đó sai Pháo đi lấy hàng. Tư không trực tiếp xuất hiện, Pháo là người thay Tư trực tiếp thực hiện việc mua bán.

Như vậy, sau khi được giao quản lý gần 6.000 tấn phân urê, Đình đã gọi điện thoại cho Tư để bán hàng chứ hai bên không hứa hẹn trước khi nào có hàng thì Tư, Pháo sẽ tiêu thụ. VKS truy tố Tư, Pháo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chưa chính xác. Dù biết đó là tài sản do Đình phạm tội mà có nhưng Tư, Pháo vẫn đồng ý mua nên Tư, Pháo phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị liên quan đến phần tội danh của Tư và Pháo.

Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, đại diện VKS tiếp tục giữ quan điểm, đề nghị HĐXX sửa tội danh đối với Tư và Pháo thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đồng thời giữ nguyên mức án bảy năm tù với Tư, tăng hình phạt lên năm năm tù với Pháo.

TAND Cấp cao tại TP.HCM không đồng tình với cáo trạng cũng như kháng nghị của VKS về việc áp dụng tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với Tư và Pháo. HĐXX đồng tình với phân tích của cấp sơ thẩm và tuyên giữ nguyên tội danh, hình phạt đối với Tư, Pháo.

Có lọt người, lọt tội?

Từ khi bị bắt, hai bị cáo Tư và Pháo đều khai mình chỉ là người môi giới, có vai trò thứ yếu. Bà Ngọc Anh mới là người chi tiền, thuê sà lan và cho Tư biết tọa độ nhận phân urê…

Tòa, VKS cấp sơ thẩm từng trả hồ sơ yêu cầu CQĐT làm rõ vai trò của bà Ngọc Anh. CQĐT cho biết đã triệu tập nhiều lần làm việc nhưng bà này không có mặt, liên hệ xác minh nhiều lần tại nơi cư trú cũng không có mặt tại địa phương. Đồng thời bà Ngọc Anh không tham gia lấy hàng, không ai trên tàu và sà lan biết bà này. Đình và Dân cũng không giao dịch với bà Ngọc Anh, không biết… Hiện chỉ có lời khai của Tư, Pháo nên không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm pháp của bà Ngọc Anh.

Xem xét hồ sơ, cả hai cấp tòa đều đồng tình với CQĐT về việc không khởi tố, truy tố bà Ngọc Anh là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, Tư và Pháo tiếp tục cho rằng chỉ là làm thuê cho bà Ngọc Anh, không xử lý bà này trong cùng vụ án là không công bằng nhưng bị HĐXX bác.

Sau phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tư đã làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm đề nghị đánh giá lại vai trò khởi xướng, đứng ra thỏa thuận, trao đổi, bàn bạc… và tính chất hành vi phạm tội của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm