Mong đừng ai bị oan nữa!

1

 Trưa 9-9, chúng tôi trở lại tìm Huỳnh Nhật Quang (33 tuổi), người vừa được VKSND TP Cà Mau xin lỗi oan. Trời mưa, quán cơm của vợ chồng anh ở Giá Rai (Bạc Liêu) vắng hoe. Quang nằm võng ngó trần nhà, trầm mặc.

Tại buổi VKSND TP Cà Mau tổ chức xin lỗi công khai, anh Huỳnh Nhật Quang vẫn một mực im lặng. Ảnh: T.Vũ - P.LOAN 

Như nhiều lần gặp, chúng tôi không thấy anh cười. Hôm 29-8, trong buổi xin lỗi của VKS, Quang cũng một mực trầm lặng. Dù VKS đã xin lỗi, đã ra quyết định bồi thường nhưng nó chẳng là gì so với mất mát của anh và gia đình.

Trước ngày bị bắt, Quang hớt tóc, vợ bán đồ điện, tháng kiếm chừng 15 triệu đồng. Họ bàn với nhau dành dụm xây nhà kiên cố... Nhưng tháng 2-2013, trong lúc đi chơi với bạn, chỉ vì câu chửi bâng quơ, Quang bị tổ tuần tra Công an xã Tắc Vân áp giải về trụ sở. Trong lúc Quang bị còng tay, một phó công an xã đã bắn đạn cao su vào má anh. Đã vậy, anh còn bị Công an TP Cà Mau khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.

Em Nguyễn Vũ Ca đang học nghề sửa điện thoại để lo cho tương lai. Ảnh: T.Vũ - P.LOAN 

Suốt ba năm Quang và gia đình kiên trì kêu oan, cùng sự đồng hành của Pháp Luật TP.HCM, đến năm 2015, cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm ở Cà Mau đều tuyên Quang không phạm tội.

Chỉ bị tạm giam một tháng nhưng tháng năm vướng vào vòng lao lý đã phá nát cuộc sống của gia đình Quang. Năm thứ hai đi kêu oan, anh phải thế chấp căn nhà đang ở lấy 200 triệu đồng để trả tiền thuê luật sư, để anh và mẹ có chi phí gõ cửa kêu oan khắp nơi. Năm thứ ba, gia đình lâm cảnh nợ vay ngập cổ. Lúc Quang được minh oan, nhà khánh kiệt, nợ nần mấy trăm triệu đồng. Quán cơm thu nhập thấp, phải trả lãi nợ vay, nuôi hai đứa nhỏ ăn học nên thiếu trước hụt sau. Nhưng với Quang, buồn không chỉ là nợ nần. “Tôi đã mất ba năm đời mình một cách oan uổng. Tôi bây giờ không còn hăng hái làm ăn như trước, không theo kịp anh em nữa rồi”.

Niềm an ủi của anh là hai con. Đứa lớn vừa đạt giải học sinh giỏi toán toàn quốc, đứa nhỏ cũng thông minh, ham học hành. Anh đã bàn với cả nhà sẽ bán nhà để trả nợ, bắt đầu lại dù chỉ còn hai bàn tay trắng. Tất cả cũng vì hai đứa nhỏ ngoan ấy mà thôi...

Em Nguyễn Minh Nhựt đang chuẩn bị đồ đạc vào trường nội trú. Ảnh: T.Vũ - P.LOAN 

2

Chúng tôi gặp Nguyễn Vũ Ca (19 tuổi) khi em đang ngồi tỉ mẩn sửa điện thoại trong lớp học ở huyện Năm Căn (Cà Mau) chiều 13-9. Cùng ngày này, VKSND huyện Cái Nước (Cà Mau) đã gọi điện thoại mời Ca cùng Nguyễn Minh Nhựt (18 tuổi), Nguyễn Hoàng Khang (22 tuổi) lên làm việc về yêu cầu bồi thường oan của các em.

Oan án của các em, chúng tôi từng nhiều lần phản ánh. Tháng 6-2015, Nhựt vừa xong năm học lớp 10. Ngoài giờ học, em chạy bàn thuê cho quán nhậu cách nhà trọ 200 m để phụ cha mẹ. Ngày đó, Ca và Khang lên TP Cà Mau thăm chị của Ca đang học ĐH và ghé chỗ Nhựt chơi. Tối được chủ quán cho phép, Nhựt vừa chạy bàn vừa uống bia với bạn. Rồi các em bất ngờ bị bắt, bị khởi tố, truy tố về tội cướp tài sản chỉ vì Nhựt mặc áo màu đỏ giống màu áo của kẻ cướp điện thoại ở cây cầu cách đó 3 km, vào thời điểm vài tiếng trước. Trong khi đó, chủ quán và rất nhiều người khẳng định các em luôn ở quán.

 Em Nguyễn Hoàng Khang đang trông đầm tôm cho cậu. Ảnh: T.Vũ - P.LOAN 

TAND huyện Cái Nước nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì ba em kêu oan, khai bị đánh, ép nhận tội ngay từ lúc mới bị bắt. Pháp Luật TP.HCM liên tục đưa thông tin về vụ án, chỉ ra nhiều khuất tất, mâu thuẫn. May mắn, các em được ba luật sư và một luật gia bảo vệ miễn phí. Cuối cùng, tháng 8-2016, VKSND huyện Cái Nước đã thừa nhận làm oan các em sau hơn một năm tạm giam.

Trở về, bị chậm mất một năm nhưng Nhựt không bỏ dở việc học. Cha mẹ Nhựt dù làm thuê làm mướn vẫn xin cho em vào nội trú ở một trường cấp III tại Cần Thơ. Ca thì mong sớm học xong để có thể sống bằng nghề sửa điện thoại. Khang đi canh đầm tôm cho cậu.

Nói quên rồi nhưng khi chúng tôi hỏi, mắt các em vẫn đỏ hoe vì ám ảnh bởi những ngày bị bắt.

3

Chiều 13-9, gặp chúng tôi, Trần Hoàng Minh (29 tuổi) đang lúi húi dưới gầm ô tô. Anh phải sửa xe cho kịp cuối buổi giao cho khách.

Minh là người bị oan ở Cần Giờ (TP.HCM) mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh hồi tháng 10-2015. Anh bị cáo buộc trộm laptop nhưng có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng là anh sửa xe ở nơi cách xa nơi xảy ra vụ trộm. Làm oan, VKSND huyện Cần Giờ lại miễn trách nhiệm hình sự để né bồi thường. Sau khi báo đăng, VKSND Tối cao đã yêu cầu cấp dưới xem xét lại. Gần một tháng sau, VKS huyện thừa nhận Minh bị oan.

Phủi phủi những vết dầu mỡ lấm bẩn, Minh kể: “Ngày trước, em làm không ngơi tay từ sớm đến tối, có khi quá giờ cơm tối rồi mà khách còn ngồi chờ xe. Cực nhưng kiếm được bao nhiêu em đưa hết cho vợ để lo cho con. Con bé bốn tuổi nhà em chỉ cần ba ơi, ba à thì cực mấy em cũng cam”.

Tháng 10-2013, Minh bị bắt. Anh bị tạm giam hai tháng rồi được tại ngoại. Ngày về, vợ đòi ly hôn. “Cô ấy nói thất vọng về em. Em giải thích thế nào, cô ấy cũng không nghe, rồi bỏ về quê. Thế là tụi em đứt gánh giữa đường!”.

Anh Trần Hoàng Minh đang sửa xe cho khách. Ảnh: T.Vũ - P.LOAN 

Hiện Minh đã yêu cầu VKS huyện xin lỗi và bồi thường oan. Tiệm sửa xe của anh đã dần đông khách trở lại. Cũng có người con gái khác hiểu và yêu người thợ cần mẫn này. Cô tin Minh nên ở cạnh anh lúc hoạn nạn, cùng anh gõ cửa các cơ quan kêu oan, đến gặp chúng tôi nhờ lên tiếng. Nhưng nhớ lại quãng thời gian trước, Minh không khỏi ngậm ngùi: “Em chỉ mong đừng ai bị oan giống như em nữa.
Khổ lắm!”.

Đòi lại công bằng cho người đã khuất

Vậy là từ tháng 6-2016, tức là một năm sáu tháng kể từ ngày anh mất, phía trên dòng tên của anh ở ngôi mộ nằm cạnh đường vào nghĩa trang huyện Đạ Tẻh đã khắc thêm dòng chữ “Tổ quốc ghi công - liệt sĩ Vũ Xuân Hải” (Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC số 2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng).

Tháng 11-2015, PV Dương Hằng tiếp cận được với hồ sơ của anh Hải (anh Hải mất vào ngày 28-12-2014). Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) khi đó không công nhận liệt sĩ cho anh Hải vì cho rằng trường hợp hy sinh của anh không đủ điều kiện xác nhận là liệt sĩ. Cụ thể, anh Hải không được xem là hy sinh trong trường hợp “trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong BLHS”. Lập luận này dựa vào lượng gỗ trên chiếc xe mà anh Hải truy đuổi (2,668 m3 gỗ xuân thông thuộc nhóm 6) chỉ nằm ở mức xử lý hành chính.

Sau bài viết đầu tiên phản ánh vụ việc, báo tiếp tục phân tích chỉ rõ những bất hợp lý trong lập luận của Cục Người có công. Đồng thời báo cũng đề nghị Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT); ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Cục Người có công xem xét lại vụ việc. Và rồi với sự đồng hành của nhiều chuyên gia, luật sư, nhiều cơ quan chức năng, sau gần 10 tin, bài đăng liên tục trên Pháp Luật TP.HCM, cuối cùng Cục Người có công đã phải thay đổi quan điểm của mình...

Tháng 3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Vũ Xuân Hải. Cuối tháng 5-2016, các cơ quan chức năng đã chính thức trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình anh.

MẠNH LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm