Mỏi mòn kiện đòi thi hành án bồi thường

TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vừa xét xử sơ thẩm vụ đòi bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra giữa vợ chồng bà Nguyễn Thị Phúc Hậu với bị đơn là Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Cần Thơ. Tuy nhiên, sau phần hỏi tòa đã tạm ngưng xét xử, thời gian mở lại chưa được thông báo.

Như vậy là sau 12 năm được tòa án tuyên thắng kiện, sau sáu năm khởi kiện cơ quan THA nhưng đến nay bà Hậu vẫn chưa nhận được đủ số tiền bà được nhận theo bản án.

Suýt khởi tố vụ án hình sự

Lý do tòa ngưng xét xử là cần triệu tập thêm người liên quan là những người đứng tên trên năm sổ đỏ mà bà Hậu đã nộp cho cơ quan THA. Tòa cũng đề nghị phía bị đơn phải thực hiện một số thủ tục theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN).

Tại đơn khởi kiện, bà Hậu trình bày bản án phúc thẩm năm 2008 của TAND TP Cần Thơ tuyên buộc bà T. trả cho bà hơn 5,2 tỉ đồng và lãi suất. Ngược lại, bà Hậu phải trả lại cho bà T. năm sổ đỏ và năm giấy chứng nhận đăng ký xe máy sau khi bà T. trả xong tiền cho bà.

Ngay sau đó, bà Hậu yêu cầu THA và Cục THADS TP Cần Thơ phân công chấp hành viên thụ lý giải quyết. Tính đến ngày 10-7-2008, bà T. còn nợ bà Hậu hơn 1,7 tỉ đồng và tiền lãi chậm THA. Tuy nhiên, Cục THADS lại yêu cầu bà Hậu giao đủ các giấy tờ trên cho cơ quan THA.

Nghe lời, bà Hậu giao nộp đủ, có biên bản giao nhận giữa bà với người của Cục THADS. Sau đó, bà Hậu biết tin Cục THADS đã giao hết các giấy tờ trên cho bà T. ngay chiều cùng ngày bà nộp. Từ đây, bà T. đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho người khác và không thi hành cho bà số tiền còn lại.

Bà Hậu gửi đơn tố cáo lãnh đạo Cục THADS. Sau đó, VKSND TP Cần Thơ có công văn trả lời kèm theo Quyết định số 15/2010 của VKSND Tối cao về việc không khởi tố hình sự đối với cục trưởng Cục THADS TP Cần Thơ thời điểm đó. Quyết định này cũng xác định rõ việc đưa các giấy tờ cho bà T. là trách nhiệm của chấp hành viên và các cán bộ Cục THADS, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Hậu và việc THA nhiều năm không được.

Năm 2014, bà Hậu khởi kiện yêu cầu Cục THADS TP Cần Thơ là đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ thực hiện công vụ gây thiệt hại phải bồi thường theo Luật TNBTCNN, đòi bồi thường 3,2 tỉ đồng (gồm tiền chưa được THA và lãi suất).

Phía Cục THADS thì cho rằng số tiền bà T. chưa thi hành cho bà Hậu chỉ là gần 1,3 tỉ đồng. Việc bà Hậu giao các giấy tờ là do bà tự nguyện nộp cho chuyên viên của cục. Do vậy, phía bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hậu.

Bà Nguyễn Thị Phúc Hậu trình bày vụ việc. Ảnh: NHẪN NAM

Án kéo dài vì tố tụng chưa chuẩn

Năm 2017, xử sơ thẩm, TAND quận Ninh Kiều chấp nhận một phần yêu cầu của bà Hậu, buộc Cục THADS TP Cần Thơ phải bồi thường hơn 2,6 tỉ đồng. Sau đó cả hai bên đều kháng cáo.

Xử phúc thẩm vào năm 2018, TAND TP Cần Thơ nhận định đơn khởi kiện năm 2014 của bà Hậu gửi TAND quận Cái Răng và tòa này xác định quan hệ pháp luật là bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra là không đúng.

Sau đó, TAND quận chuyển vụ án đến TAND TP Cần Thơ với lý do vụ án có tính chất phức tạp. Tuy nhiên, Tòa Dân sự TAND TP Cần Thơ không phát hiện vụ việc thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện nên có công văn chuyển trả vụ án cho TAND quận.

Năm 2016, TAND quận Cái Răng lại chuyển vụ án đến TAND quận Ninh Kiều với lý do nguyên đơn có địa chỉ sinh sống tại quận này. Tòa Ninh Kiều nghĩ rằng vụ việc đã được Tòa Dân sự TAND TP Cần Thơ xem xét đủ điều kiện mới chuyển trả hồ sơ cho cấp dưới nên thụ lý. Quá trình giải quyết, lẽ ra TAND quận Ninh Kiều phải đình chỉ giải quyết vụ án nhưng lại đưa ra xét xử và chấp nhận một phần yêu cầu của bà Hậu là không đúng.

Tòa phúc thẩm dẫn lại một phần nội dung của công văn của Vụ 1A và Quyết định số 15/2010 của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao về việc không khởi tố vụ án: “Việc Cục THA TP Cần Thơ hoàn trả các giấy tờ cho bà T. làm cho bà Hậu chưa được THA nốt khoản hơn 1,7 tỉ đồng mà bà T. còn nợ là trái với bản án phúc thẩm và vi phạm Điều 6 Luật THADS”. “Vụ 1A nhất trí với Cơ quan điều tra VKSND Tối cao ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và cần xử lý hành chính nghiêm đối với người có vi phạm”.

Theo tòa phúc thẩm, đối chiếu với Điều 4 Luật TNBTCNN cùng thông tư hướng dẫn và BLTTHS thì nội dung trên chính là kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền theo quy định của Luật THADS. Đây là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ trái pháp luật.

Do đó, bà Hậu có quyền yêu cầu bồi thường và nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại theo Điều 40, 41 Luật TNBTCNN. Chỉ sau khi bà Hậu nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường mà không được giải quyết hoặc có giải quyết nhưng bà không đồng ý thì mới có quyền khởi kiện đến tòa án.

HĐXX xét thấy tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án là không đúng trình tự, thủ tục tố tụng nên cần phải hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Sau khi án phúc thẩm bị đình chỉ, đầu năm 2019, bà Hậu làm hồ sơ yêu cầu Cục THADS TP Cần Thơ bồi thường hơn 3,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngày 23-1-2019, cơ quan này có văn bản trả lời cho rằng đơn yêu cầu bồi thường của vợ chồng bà là chưa có cơ sở. Từ đó, bà Hậu đã làm đơn khởi kiện lại ra TAND quận Ninh Kiều nhưng tòa lại hoãn xử với lý do như trên.

Mong tòa sớm giải quyết dứt điểm

Sau khi phiên tòa bị hoãn, bà Hậu cho biết trong 12 năm qua, bà đã phải gõ cửa nhiều cơ quan có thẩm quyền để đòi quyền lợi chính đáng cho mình nhưng đến nay vẫn chưa xong.

“Tôi mong cơ quan THADS bồi thường cho tôi số tiền chưa được nhận và lãi theo quy định. Còn nếu Cục THADS TP Cần Thơ cho rằng mình không có lỗi thì phải trả cho tôi những giấy tờ mà họ đã yêu cầu tôi giao nộp. Tôi cũng mong tòa án sớm xét xử dứt điểm vụ kiện vì đã kéo dài sáu năm rồi. Chồng tôi là thương binh 2/4, bị nhiễm chất độc da cam nên sức khỏe chỉ còn 38%, nếu kéo dài sợ chúng tôi không còn sức khỏe để theo đuổi vụ kiện” - bà Hậu nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm