Mở rộng phạm vi xã hội hóa giám định tư pháp

Hội nghị này do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng  chủ trì  tại điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự.  

Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục Trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, trình bày một số nội dung cơ bản của Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp và quy chế phối hợp liên ngành về giám định tư pháp.

Sau năm năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (gọi tắt Đề án 258), đa số các nhiệm vụ, giải pháp đã được tổ chức thực hiện có kết quả thiết thực. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp cần được tiếp tục thực hiện trong nhiều năm tiếp theo và để phát huy hiệu quả của Đề án 258 trên thực tế. Ngày 28-2-2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 250 phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Đề án xác định rõ các mục tiêu cụ thể cần đạt được trong công tác giám định tư pháp đó là: Hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp tạo cơ sở pháp lý, đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với tình hình mới; Hoàn thiện hệ thống tổ chức pháp y tâm thần theo hướng chú trọng yếu tố trọng điểm, khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng…

Các cơ quan như Bộ Y tế trình bày tại hội nghị tham luận về những giải pháp và kiến nghị nhằm bảo đảm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám định pháp y, pháp y tâm thần trong tình hình mới. Sở Tư pháp TP Hà Nội nói về phương hướng và giải pháp bảo đảm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tại Hà Nội. Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… cũng trình bày các tham luận của ngành về công tác giám định tư pháp tại hội nghị.

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, phát biểu  tại hội nghị. Ảnh: K.P

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, phát biểu Luật Giám định tư pháp đã quy định các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được thành lập trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Qua hơn năm năm thực hiện Luật này, dù TP đã có nhiều cố gắng động viên, khuyến khích những người có đủ điều kiện thành lập tổ chức giám định tư pháp nhưng đa số các giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực xã hội hóa đang kiêm nhiệm tại các Sở, ngành nên không đủ điều kiện thành lập văn phòng giám định.

Ngoài ra, một số lĩnh vực giám định tư pháp được xã hội hóa có số lượng việc ít, nhu cầu chưa cao cộng với phải đầu tư chi phí rất lớn như giám định xây dụng (thiết bị, máy móc…). Vì vậy cho đến nay, TP chỉ có một Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn (hoạt động trong lĩnh vực tài chính) được thành lập. Trong thời gian tới, kiến nghị với Trung ương nên xem xét mở rộng phạm vi các lĩnh vực xã hội hóa theo hướng lĩnh vực nào xã hội thực hiện được thì giao cho xã hội làm (trừ những lĩnh vực có liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh chính trị quốc gia…)

Hai nhiệm vụ trọng tâm khi thực hiện đề án

Để triển khai có hiệu quả Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Quy chế phối hợp liên ngành và văn bản khác liên quan đến giám định tư pháp, trong thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất: Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh sớm ban hành kế hoạch thực hiện đề án, quy chế phối hợp trong phạm vi lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của đề án và các văn bản khác về giám định tư pháp, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức các cấp, ngành, cơ quan tiến hành tố tụng về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp.

Thứ hai: Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong đề án và quy chế phối hợp, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

- Bộ Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo ở cấp Trung ương, báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo ở cấp Trung ương...

- Đề nghị các Bộ, ngành và các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn đối với từng nhiệm vụ Đề án đã giao, nhất là việc khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn việc trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; ban hành đầy đủ các Thông tư về quy trình, quy chuẩn trong giám định tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

- Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án; trước mắt tập chung nghiên cứu, thành lập Phân viện Viện Pháp y tâm thần Trung ương tại Bắc miền Trung, Phân viện Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa tại Nam Trung bộ và các khu vực khác để đáp ứng kịp thời yêu cầu của hoạt động tố tụng về giám định pháp y tâm thần.

- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khẩn trương rà soát, củng cố hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự theo hướng tinh gọn, đầu tư trọng điểm khu vực phù hợp, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng…

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ Thư ký giúp việc Ban chỉ đạo ở địa phương và quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ, cụ thể như: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và điều kiện cần thiết khác cho tổ chức giám định tư pháp công lập và hoạt động giám định tư pháp ở địa phương; tăng cường bồi dưỡng...

ĐỖ HOÀNG YẾN, Cục Trưởng Cục Bổ trợ tư pháp -Bộ Tư pháp 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm