Miễn trừ cho thẩm phán xử oan: Vẫn tranh cãi

Phù hợp xu hướng chung của quốc tế

Nếu thực sự có chứng cứ chứng minh thẩm phán vô ý gây ra oan sai thì nên miễn trừ trách nhiệm cho họ. Bởi thẩm phán cũng như các chức danh tiến hành tố tụng khác thực hiện nhiệm vụ được giao dựa trên nguyên tắc, quy định của luật pháp. Có những hồ sơ được làm rất chặt chẽ, không có khe hở nào thì thẩm phán cũng phải dựa vào đó để ra phán quyết. Vấn đề là tính chặt chẽ trong hồ sơ đó đúng hay sai dẫn đến hậu quả oan hay không. Chúng ta biết rằng ở giai đoạn điều tra, bản thân điều tra viên cũng không muốn cố tình khép tội oan cho ai đó. Nhưng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là chạy theo tiến độ điều tra, theo thi đua, do nóng vội muốn kết thúc án nhanh nên họ đã dùng các thủ thuật trái luật như bức cung, dùng nhục hình đối với bị can.

Đề nghị của TAND Tối cao là một chế định có thể chấp nhận được nếu rõ ràng xuất phát từ lỗi vô ý của thẩm phán. Nó cũng phù hợp với xu hướng chung của quốc tế là nhiều nước đã quy định không truy cứu trách nhiệm của thẩm phán vì lỗi vô ý.

Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận

Lỗi vô ý, nên miễn trừ trách nhiệm

Công bằng mà nói thì thẩm phán khi tuyên một bản án đều có những cơ sở, lý lẽ và căn cứ pháp luật dựa trên hồ sơ, lời khai cùng các tình tiết khác. Ngoài ra, nguyên tắc HĐXX quyết định theo đa số cũng không cho phép thẩm phán áp đặt ý kiến chủ quan của mình khi tuyên án. Điều đó có nghĩa là thẩm phán không cố tình kết án oan và lỗi cố ý hầu như rất ít (tất nhiên thực tế không phải tất cả đều do lỗi vô ý). Hầu hết lỗi là do ngay từ đầu cơ quan buộc tội đã hợp thức hóa hồ sơ tốt quá, “đạo diễn” lời khai hay quá, logic quá khiến thẩm phán không nhận ra. Nếu dựa quá nhiều vào hồ sơ thì tòa không cách nào phát hiện ra các tình tiết khác của vụ án, dẫn đến xử oan. Cũng có khi thẩm phán thấy bất ổn đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại, điều tra bổ sung nhiều lần nhưng VKS vẫn quyết truy tố nên cuối cùng tòa vẫn phải xử.

Tôi nghĩ rằng nên đặt vấn đề miễn trừ cho thẩm phán đối với lỗi vô ý như những tình huống đã phân tích ở trên. Bởi rất khó cho thẩm phán để phát hiện ra những dấu hiệu oan sai khi hồ sơ vụ án được hợp thức hóa tốt.

Luật sư TRẦN GIÁNG HƯƠNG, Trưởng Văn phòng luật sư Tam Đa, TP.HCM

Miễn trừ cho thẩm phán xử oan: Vẫn tranh cãi ảnh 3

Nếu thẩm phán làm hết trách nhiệm thì án oan không dễ xảy ra. Trong ảnh: Ba người dân từng bị TAND TP Mỹ Tho (Tiền Giang) kết án oan về tội đánh bạc cuối năm 2013. Ảnh: T.TÙNG

Ít nhất cũng phải bồi thường

Nếu chỉ nói chung chung là miễn trừ trách nhiệm thì sẽ kéo theo xu hướng là tất cả vụ án oan cuối cùng quy về lỗi vô ý hết. Đó là chưa nói nó sẽ tạo tiền đề cho việc xét xử dễ dãi, thẩm phán như có lá bùa hộ mệnh, vô tư tuyên án mà không phải lo trách nhiệm, khi xảy ra hậu quả thì đổ cho yếu tố khách quan. Lúc này chất lượng xét xử sẽ bị ảnh hưởng và vô tình việc miễn trừ trách nhiệm sẽ góp phần làm tăng số lượng án oan.

Theo tôi, với trường hợp kết án oan do lỗi vô ý của thẩm phán thì phải cân nhắc từng vụ xem xét có xử lý hình sự hay không nhưng về trách nhiệm bồi thường thì phải có. Còn nếu dùng từ miễn trừ thì sẽ tạo ra tâm lý chủ quan cho thẩm phán vì giống như một sự ưu ái, ưu tiên, đặc cách, sẽ tạo ra quyền to hơn, tạo tâm lý và xu hướng lạm quyền khiến chất lượng xét xử giảm sút.

Luật sư NGUYỄN MINH LUẬN, Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Công Lý

Thi hành công vụ, không ai được miễn trừ cả

Chúng ta không nên đặt vấn đề miễn trừ trách nhiệm đối với thẩm phán bởi một lẽ rất bình thường là không ai được miễn trừ trách nhiệm khi thực hiện công vụ cả.

Suy nghĩ của tôi bắt nguồn từ chân lý là tất cả người tiến hành tố tụng đều phải làm hết trách nhiệm của mình. Ai cũng biết việc điều tra, truy tố, xét xử một con người là hết sức hệ trọng, liên quan đến số phận, thậm chí là sự sống hay cái chết của họ, liên quan đến gia đình họ. Nếu người tiến hành tố tụng không áp dụng tất cả các biện pháp nghiệp vụ để làm sáng tỏ sự thật, gây oan sai thì hơn ai hết, họ phải là người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Lúc này không thể đặt vấn đề vì lý do nọ, lý do kia để mà miễn trừ vì đây là sai phạm do chính bản thân họ gây ra, dẫn đến oan sai cho người khác.

Còn với trường hợp thẩm phán làm oan do lỗi vô ý thì sao? Đó là lúc thẩm phán đã làm hết trách nhiệm, áp dụng mọi biện pháp có thể mà vẫn không phát hiện ra uẩn khúc, bất thường của vụ án. Cũng có thể có tình huống sau đó xuất hiện chứng cứ mới làm thay đổi toàn bộ bản chất vụ án, phá hỏng tất cả hệ thống chứng cứ buộc tội ban đầu, khiến người dân bị oan. Trường hợp này do đã làm hết trách nhiệm nên thẩm phán không có lỗi mà khi thẩm phán không có lỗi thì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc không cấu thành tội phạm trong trường hợp có lỗi vô ý khác với việc được miễn trừ trách nhiệm giống như đề nghị của TAND Tối cao mà chúng ta đang bàn. Miễn trừ là không đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự, trong khi không cấu thành tội phạm là có đặt ra nhưng không có cơ sở để xử lý hình sự mà có thể áp dụng các biện pháp khác như hành chính, dân sự.

Nhân đây tôi xin kể lại một vụ án mà tôi làm chủ tọa phiên xử phúc thẩm để thấy rằng ai cũng phải làm hết trách nhiệm của mình. Vụ đó bị cáo D. bị tòa sơ thẩm xử tù chung thân về tội giết người. Sau đó gia đình nạn nhân kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm bỏ lọt người phạm tội, còn bị cáo kháng cáo xin giảm án.

Trong quá trình tố tụng ở cấp sơ thẩm, D. luôn khẳng định chỉ duy nhất một mình D. dùng con dao có kích thước 1,5 x 20 cm để đâm chết nạn nhân. Nhiều chứng cứ, lời khai của các nhân chứng cũng phù hợp với lời khai của D. nên cấp sơ thẩm chỉ xét xử một mình D. về tội giết người.

Khi nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy có biên bản thu giữ con dao tang vật nên đã đưa con dao đó vào xem xét tại phiên phúc thẩm. Dù tại tòa D. và các nhân chứng vẫn giữ nguyên lời khai nhưng quá trình tranh tụng, tôi đã tập trung làm rõ mâu thuẫn giữa kích thước vết thương trên thi thể nạn nhân (5 x 20 cm) với kích thước con dao tang vật (1,5 x 20 cm). Kết quả tranh tụng đã kết luận được rằng: Các chứng cứ mà bản án sơ thẩm dùng để kết tội D. là giả mạo. Từ đó HĐXX đã tuyên hủy án, giao cho cấp sơ thẩm điều tra lại.

Khi điều tra, truy tố, xét xử lại, ngoài việc truy tố D., cấp sơ thẩm còn truy tố thêm bốn bị cáo khác nữa. Tòa đã xử bị cáo đầu vụ án tử hình, ba bị cáo khác từ 20 năm tù đến tù chung thân, riêng D. được xử mức án thấp hơn trước vì chỉ giữ vai trò đồng phạm (giúp sức).

Vụ án đã khép lại hơn 10 năm nhưng tới bây giờ tôi vẫn luôn suy nghĩ, trăn trở vì nếu không có con dao tang vật để “lật tẩy” lời khai gian dối của D. và nhân chứng thì liệu kháng cáo của gia đình nạn nhân có đủ sức thuyết phục tòa phúc thẩm? Do vậy, tôi luôn tâm niệm rằng sự thận trọng và có trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng là rất cần thiết.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đề nghị của TAND Tối cao

Khi góp ý dự thảo BLTTHS (sửa đổi), TAND Tối cao đã đề nghị đưa vào nguyên tắc mới: “Thẩm phán, hội thẩm nhân dân không bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại đối với quan điểm, quyết định được đưa ra khi thực hiện quyền hạn xét xử, trừ trường hợp cố ý vi phạm theo quy định của luật. Việc xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với thẩm phán phải có ý kiến của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia”.

Tuy nhiên, khi tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến về dự án BLTTHS (sửa đổi), VKSND Tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã không tiếp thu đề nghị trên. Theo VKSND Tối cao, nội dung quyền miễn trừ trách nhiệm đối với thẩm phán, hội thẩm không thuộc phạm vi điều chỉnh của BLTTHS mà thuộc phạm vi điều chỉnh của BLHS, Luật Tổ chức TAND và quy chế nội bộ của ngành tòa án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm