Ly kỳ chiêu trò đưa người xuất cảnh đi Úc bằng hồ sơ giả

Ngày 19-5, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Trần Thị Lệ Oanh chín năm sáu tháng tù và phạt 40 triệu đồng về hai tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Đồng phạm về hai tội này, Nguyễn Thị Mỹ Phương bị phạt năm năm tù và 25 triệu đồng.

Bị cáo Vũ Hồng Tiến, Lê Văn Đại và Nguyễn Văn Tiến cùng bị mức phạt hai năm sáu tháng tù và 10 triệu đồng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 

Bị cáo Oanh (áo xanh) cùng các đồng phạm. Ảnh: H.YẾN

Trong quá trình xét cấp thị thực, Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM nghi ngờ có việc giả mạo giấy tờ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức của Việt Nam để xin cấp thị thực xuất cảnh trái phép và cư trú bất hợp pháp tại Úc. Tổng lãnh sự có các công hàm gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an kèm theo 54 hồ sơ xin thị thực đề nghị xác minh làm rõ.
Sau khi có kết quả xác minh, ngày 25-1-2019, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh chuyển hồ sơ cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an.
Kết quả điều tra xác định năm 2008, Oanh thành lập và làm giám đốc, đại diện pháp luật Công ty TNHH Tư vấn du học, du lịch Châu Đại Dương tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Công ty có chức năng, ngành nghề kinh doanh là tư vấn du học, du lịch. Thông qua mạng Internet và các quan hệ xã hội, nhiều người biết và đến Công ty Châu Đại Dương để được tư vấn thủ tục xin thị thực Úc.
Theo quy định của Tổng lãnh sự quán Úc, hồ sơ xin thị thực du lịch, du học phải có giấy tờ chứng minh về thu nhập, việc làm, gồm: Sao kê ngân hàng, sao kê thẻ tín dụng cho thấy số dư hiện tại, chứng minh thu nhập, bản sao công chứng các chứng nhận quyền sở hữu tài sản, thông tin chi tiết về việc làm, mức lương, đơn cho nghỉ phép…
Lợi dụng việc biết rõ các quy định trên, năm 2018, Oanh đã nhiều lần nhận làm dịch vụ xin thị thực Úc cho 40 người không đủ điều kiện được cấp thị thực. Trong đó, Oanh trực tiếp thỏa thuận với 33 người.

Ngoài ra, thông qua Phượng, Oanh nhận làm dịch vụ cho 7 người khác. Phượng biết Oanh làm dịch vụ xin thị thực Úc cho người khác bằng thủ đoạn sử dụng giấy tờ giả. Do đó, Phượng đã tìm kiếm người có nhu cầu xin thị thực nhưng không đủ điều kiện, sau đó chuyển cho Oanh làm dịch vụ xin thị thực cho họ để cùng hưởng lợi.

Kết quả, 28 người đã được cấp thị thực. Trong đó, 20 người đã xuất cảnh trái phép tại Cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Việt Nam. Cách thức phạm tội của Oanh là nhờ Phượng và Hồng Tiến làm giả hồ sơ của cơ quan, tổ chức để khách hàng đủ điều kiện làm hồ sơ xin thị thực, xuất cảnh.

Tiến khai đã mua 89 con dấu giả từ một tài khoản Zalo tên Minh Minh (chưa thể xác định) giá 2 triệu đồng/con dấu. Rồi từ số con dấu đó, Tiến giúp Oanh làm giả 160 tài liệu cho 36 hồ sơ khách hàng.

Về phần Phượng, Phượng khai đã giúp Oanh làm các tờ sao kê tài sản và xác nhận tạm trú giả. Phượng đã nhờ Đại để làm giả các giấy tờ này. Đại thuê Văn Tiến làm 234 con dấu giả của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau.

Đại đã sử dụng 30 con dấu trong số đó để làm giấy tờ giả đưa cho Phượng. Rồi Phượng giao lại cho Oanh để hoàn chỉnh hồ sơ bán cho khách hàng. Tổng cộng số tiền thu lợi bất chính của Oanh, sau khi trừ đi các chi phí đưa cho Phượng và Tiến, còn lại khoảng 940 triệu đồng. Gia đình của Oanh đã nộp 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Đối với các cá nhân thỏa thuận với Oanh, Phượng làm dịch vụ xin cấp thị thực bằng việc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức bổ sung vào hồ sơ nộp cho Tổng lãnh sự quán Úc, do tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi không đáng kể nên Bộ Công an không xem xét trách nhiệm hình sự. Bộ Công an đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh xử lý vi phạm hành chính...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm