Lý do 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng bị bắt giam sau phiên xử

Như PLO đã đưa tin, ngày 12-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Theo đó, tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và cựu thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ. Tòa lần lượt y án 17 năm tù và 25 năm tù đối với hai bị cáo về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Đối với cựu chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến, tòa quyết định giảm án từ 12 năm xuống 10 năm tù về hai tội danh nêu trên.

Đặc biệt, HĐXX cũng tuyên bắt tạm giam hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng để đảm bảo thi hành án, thời hạn 45 ngày kể từ ngày tuyên án (12-5).

Về việc này, nhiều bạn đọc nêu thắc mắc về quy định bắt tạm giam các bị cáo này sau phiên tòa.

Hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh (phải) và Văn Hữu Chiến. Ảnh: TP

Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Thị Vi, Đoàn LS TP Hà Nội, cho rằng quyết định bắt tạm giam bị cáo tại tòa hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của HĐXX.

Theo đó, Điều 329 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ về bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án. Đối chiếu vụ án thâu tóm nhà, đất công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng thì có thể thấy trường hợp của hai cựu chủ tịch TP thuộc khoản 2.

Cụ thể, bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. HĐXX có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội.

Thời hạn tạm giam bị cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.

Như vậy, HĐXX nhận thấy có căn cứ cho thấy các bị cáo có thể “trốn hoặc tiếp tục phạm tội” nên đã có quyết định nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm