Sở Giao thông TP.HCM mà chỉ đạo thế à!

Hiện tại, nhiều người nghi ngờ cái chết xảy ra từ sự va chạm với dải bê tông phân cách nằm giữa đường. Ngược lại, đơn vị quản lý tuyến đường thì cho rằng nạn nhân tự té.

Từ tai nạn trên mà mọi người mới biết dải bê tông đó đã có từ năm 2017. Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) thì Sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo họ lắp đặt như thế nhằm ngăn ô tô đi vào làn đường xe máy gây ùn tắc. Đơn vị này cho rằng việc lắp đặt “đã thực hiện đầy đủ” về biển báo, cảnh báo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ 2016 của Bộ GTVT.

Hiện trường vụ xe máy tông vào dải bê tông ngăn ô tô vào làn xe máy khiến anh Lý Vũ Hảo thiệt mạng. Ảnh: N.TÂN

Phải lưu ý ngay là Khu 2 đã phân bua không đúng. Bởi lẽ quy chuẩn trên chỉ quy định các loại dải phân cách phân chia các làn đường, tức không có dải phân cách để phân chia ngay trong làn xe máy. Dù với bất cứ lý do gì thì việc lắp đặt dải bê tông ấy cũng hoàn toàn sai khi chúng không thuộc danh mục nào của công trình đường bộ. Chi tiết hơn, Khu 2 và Sở GTVT TP.HCM đã vi phạm nội dung nghiêm cấm của khoản 2 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ ở chỗ đã đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường.

Một loạt hành động tiếp theo của Khu 2 và Sở GTVT TP.HCM cho thấy họ đã nhận ra nhiều điều đúng cần phải làm. Dải bê tông ở hai vị trí trên đường đã được tháo dỡ. Hai cơ quan đó còn cho lắp đặt camera ở hai khu vực cần thiết và sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông để phạt nguội các ô tô chạy bậy vào làn xe máy...

Đây là những việc mà lẽ ra Khu 2 và Sở GTVT TP.HCM phải làm từ đầu để trị cho được các trường hợp vi phạm luật giao thông và trên hết là bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng con người. Giờ là có muộn nhưng còn hơn họ để muộn nữa!

Điều đáng nói là ở đâu đó của TP.HCM vẫn đang có những bẫy giao thông tương tự. Thay vì tổ chức xử phạt tốt những người không tuân thủ luật giao thông để từ đó giảm thiểu vi phạm, lực lượng hành pháp lại có những hành động cản trở giao thông trái luật. Việc lắp đặt các barie trên vỉa hè một số con đường lớn ở trung tâm TP để các xe máy bớt leo lề dễ gây nguy hiểm cho người đi bộ… là một trong các đơn cử.

Đại diện của một khu quản lý giao thông đô thị cho là nhờ các barie đó mà số lượng xe máy leo lề đã giảm. Nếu lúc trước chạy rần rần thì sau này chỉ có một số người cố luồn lách vào các khoảng hở giữa hai barie dành cho xe lăn của người khuyết tật đi qua để chạy lên vỉa hè, bãi cỏ hoặc bê xe vượt qua barie...

Cách nhìn về hiệu quả này cũng là “rút tỉa” mới đây của Khu 2 trong vụ dải bê tông nêu ở trên: Trong nhiều năm, việc lắp đặt kiểu cưỡng bức được việc mà không có sự cố gì xảy ra. Và như thế, can chi phải nát óc với phương án khác!

Xin thưa, chưa xảy ra thì không có nghĩa là không xảy ra. Đối với dải bê tông, một đại diện Công an quận 2 thông tin: Do nạn nhân đi với tốc độ cao (chưa xác định rõ tốc độ vì không có camera tại hiện trường) và khi thấy vật cản thì không kịp phản xạ nên tông vào.

Dẫu chưa rõ nạn nhân có lỗi thế nào nhưng ghi nhận bước đầu cho thấy dải bê tông đặt sai gây nguy hiểm cho người đi xe máy đó có liên can đến cái chết, không trực tiếp thì cũng là gián tiếp. Đối với các barie cũng vậy, mấy ai dám chắc là không có rủi ro trong các bước chân cố gắng vượt qua của người bình thường, huống hồ là người tàn tật, khiếm thị… khi chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ vấp ngã, tai nạn mà chỉ nghĩ thôi là đã có nhiều cái rùng mình.

Vậy, khi dải bê tông được tháo dỡ thì các barie gieo mối đe dọa khác cho người đi bộ có được dỡ bỏ? Hay phải đợi khi có đổ máu, có thương vong… thì các chướng ngại vật trái phép do chính các cơ quan chức năng lắp đặt mới thôi tồn tại?

Luật Giao thông đường bộ đề ra nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ là phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; không được phép lắp đặt thiết bị khác gây cản trở người tham gia giao thông… (khoản 1 Điều 4, khoản 2e Điều 35). Vì lẽ này, các động thái xử lý khác thể hiện việc đã không tính toán, hành động đầy đủ để chủ động ngăn chặn những hậu quả có thể nhìn thấy trước và buộc phải thấy trước của Sở GTVT TP.HCM đều không được chấp nhận.

Trước mắt, tuy chưa rõ trách nhiệm pháp lý cụ thể thì Khu 2 hay Sở GTVT TP.HCM vẫn nên có một nén nhang, một cái bắt tay chia buồn với gia đình nạn nhân... Đơn giản là sự ra đi của người thanh niên ấy có thể có liên quan ít nhiều đến dải bê tông được sở này chỉ đạo đặt sai trên đường và tất nhiên là rất đáng tiếc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm