Quá sai trái, khởi tố ngay đi!

Cũng ngần ấy năm, hai chủ sở hữu nhà hợp pháp liên tục kêu cứu nhưng các cơ quan pháp luật ở địa phương đã không xử lý gì.

Trong hai trường hợp được báo Pháp Luật TP.HCMphản ảnh, công an, viện kiểm sát cấp quận, thành phố đều đưa ra một lý do chung. Đó là hành vi sai phạm của những người tự ý chiếm giữ nhà tuy có dấu hiệu phạm tội “xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 Bộ luật Hình sự (BLHS) nhưng không thể truy cứu họ tội này. Bởi lẽ các chủ sở hữu nhà chưa ở nhà ấy
ngày nào.

Từ đó, nhiều người có thẩm quyền ở quận 6 (TP.HCM) cho rằng chỉ có thể xử lý hành chính những người chiếm giữ nhà. Tuy nhiên, chỉ có thể xử lý hành chính về việc họ đã không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng và không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra. Tức việc phạt hành chính này (nếu có) không có dính dáng đến việc xâm nhập, chiếm giữ nhà người khác. Có vẻ sát hơn là xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác nhưng hiện vi phạm này đã hết thời hiệu xử phạt.

Sau cùng, nhiều người có quyền hạn ở quận 6 cho là chủ nhà nên khởi kiện để được giải quyết quyền lợi. Thử hỏi, chủ nhà có làm theo hướng dẫn này được không, nội dung tranh chấp sẽ là gì, người bị kiện gồm có ai… khi giữa chủ nhà với những người chiếm giữ nhà trái phép không có bất kỳ quan hệ, giao dịch dân sự nào?

Nhà, đất số 111 Bà Hom (quận 6, TP.HCM) đang bị xâm chiếm nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa xử lý dứt điểm. Ảnh: CÙ HIỀN

Vậy rốt cuộc những người vô cớ bị tước đoạt quyền sở hữu nhà sẽ phải chịu thiệt thòi suốt đời vì sự bất lực của pháp luật cùng sự bó tay của bộ máy thực thi hay sao?

Theo chúng tôi, pháp luật không bất lực mà chính các cơ quan chức năng đang tự trói tay mình khiến vi phạm bị kéo dài tựa như một sự thách thức
công lý.

Ý kiến cụ thể có thể khác nhau nhưng rõ ràng các cơ quan đều cùng nhìn thấy đã có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra nên mới bỏ công bàn bạc cách thức xử lý. Dễ thấy ngay là đã có sự xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác, chiếm giữ chỗ ở của người khác. Cũng có người cho là đã có hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác... Và như thế, một khi đã xác định có vi phạm pháp luật thì chính quyền bắt buộc phải xử lý vi phạm theo chức trách, nhiệm vụ của mình, nếu đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự.

Đối với việc sử dụng trái phép tài sản của người khác, từ cấu thành tội phạm và thực tiễn xử lý thì có thể thấy rằng các cơ quan không thể xử lý hành chính (ngay cả khi còn thời hiệu xử phạt) hay hình sự những người đã phá khóa, chiếm dụng nhà của người khác về hành vi này.

Cần lưu ý, sử dụng trái phép tài sản của người khác phải là vì vụ lợi mà tự ý khai thác giá trị sử dụng của tài sản mặc dù không có quyền sử dụng đối với tài sản đó mà không nhằm mục đích chiếm đoạt, chiếm hữu tài sản đó làm của riêng. Nếu tài sản có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên (hoặc có một số dấu hiệu khác theo yêu cầu của Điều 177 BLHS) thì bị xử lý hình sự; nếu trị giá dưới mức quy định đó thì xử lý hành chính.

Ở các trường hợp được nêu, những người vi phạm ngoài việc tự ý khai thác giá trị sử dụng nhà thì còn đang chiếm hữu nhà. Vì lẽ này, họ không vi phạm điều luật về việc đã sử dụng trái phép tài sản của người khác.

Bằng phép loại trừ thì chỉ còn các hành vi xâm nhập trái pháp luật, chiếm giữ chỗ ở của người khác là cần phải được xem xét đến. Do các hành vi này không có trong pháp luật về hành chính nên chúng chỉ có thể bị xem xét, xử lý hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 BLHS hiện hành.

Phải thống nhất rằng cấu thành tội phạm này chỉ đề cập “chỗ ở” cùng các hành vi vi phạm như “chiếm giữ chỗ ở” (điểm c khoản 1); “xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác” (điểm d khoản 1)…

Về khái niệm “chỗ ở”, khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Chỗ ở là nhà ở hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú; chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”. Nói gọn thì chỗ ở là nhà ở mà người dân được quyền sở hữu hoặc được cho mượn, cho thuê,
cho ở nhờ.

Tính ra, Điều 158 BLHS và Luật Xử lý vi phạm hành chính đều yêu cầu khá đơn giản về “chỗ ở” và không hề đòi hỏi “chỗ ở” đó phải luôn là nơi người dân có ở trên thực tế.

Vậy vì sao các cơ quan pháp luật ở hai địa phương còn lạc đề khi viện dẫn một điều luật của Luật Cư trú có nội dung điều chỉnh khác để tự cho là người bị hại của tội xâm phạm chỗ ở của người khác phải có thời gian ở trong căn nhà đó? Rồi nếu họ chưa ở ngày nào (trong khi họ vì bị cản trở trái pháp luật nên đã không thể vào ở…) thì các cơ quan lại không đồng ý xử lý hình sự những người có liên can.

Sẽ tiếp tục là phi lý khi luật quy định một nhưng các cơ quan tố tụng lại thêm hai, ba... gây bất lợi cho những người biết tuân thủ luật (mua nhà hợp pháp, tin tưởng chờ các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm người xâm nhập, chiếm giữ trái phép nhà chứ không tự ý thay trời hành đạo...). Vì vậy, nhất định những hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không nên trì hoãn, dùng dằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm