‘Phạt nguội’: Coi chừng người vi phạm sẽ chối bay!

“Phạt nguội” vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông không phải là một quy định quá mới mẻ. Năm 2004, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 210/2004 và Quyết định 240/2004 quy định thủ tục xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại TP. Đây là thủ tục xử phạt được cho là rất mới mẻ, mang tính cách mạng và rất hiện đại.

Sau khi triển khai thực hiện một thời gian thì Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có văn bản “tuýt còi” vì cho rằng hai quyết định này có dấu hiệu trái luật, bởi theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì không cho phép “phạt nguội”. Đồng thời, Cục yêu cầu UBND TP.HCM tự bãi bỏ những văn bản này.

Đến năm 2006, Thủ tướng ban hành Quyết định 238/2006 quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông. Trên cơ sở đó, Bộ Công an ban hành Thông tư 11/2007 hướng dẫn thực hiện Quyết định 238/2006. Có thể nói Quyết định 238/2006 và Thông tư 11/2007 là những văn bản pháp lý đầu tiên quy định về “phạt nguội” vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rất cụ thể về vấn đề này.

Hình ảnh thông báo xe anh Nguyễn Sơn Hà (ảnh phải ở Quảng Ninh) vi phạm tốc độ ở Hà Tĩnh nhưng chủ xe khẳng định mình không hề chạy vào Hà Tĩnh. Tuy vậy, khi xe anh Hà hết hạn đăng kiểm (ảnh trái) thì anh không được giải quyết cho đăng kiểm... Ảnh: ĐẮC LAM

Không thể phủ định những tích cực mà “phạt nguội” vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông mang lại. Tuy nhiên, việc “phạt nguội” vẫn tồn tại quá nhiều bất cập, đòi hỏi cơ quan chức năng phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để hoàn thiện vấn đề này.

Thứ nhất, “phạt nguội” rất khó xác định được người vi phạm thực sự để xử phạt. Điều này dẫn đến một thực tế dở khóc dở cười là người thuê, mướn, mượn xe rồi vi phạm giao thông, bị thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của công an ghi lại; sau đó căn cứ vào chứng cứ thu thập được, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và gửi đến... chủ sở hữu của chiếc xe. Do chủ xe không phải là người trực tiếp điều khiển xe và cũng không phải là người vi phạm nên không thể xử phạt. Trong khi đó, người vi phạm thực sự thì khó có thể xác định được để xử phạt.

Hiện nay, mặc dù ô tô đã có camera giám sát hành trình nhằm hỗ trợ cho việc xác định chủ thể vi phạm, hành vi vi phạm nhưng vấn đề “phạt nguội” vẫn không vì thế mà dễ dàng hơn. Điều này càng trở nên khó khăn đối với các loại xe gắn máy, xe thô sơ, xe đạp… Và vì vậy, người vi phạm sẽ tìm cách luồn lách, chối bỏ bằng cách lý sự “tôi không vi phạm, hôm đó tôi cho người bạn mượn xe, rồi người này cho người khác nữa mượn chạy và tôi không biết người này…”.

Thứ hai, “phạt nguội” chỉ có giá trị đối với những vi phạm rõ ràng như không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, đi ngược chiều, đánh võng… Đối với những vi phạm như điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; bấm còi, rú ga liên tục; điều khiển xe không mang giấy phép lái xe, bảo hiểm xe cơ giới; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định… thì “phạt nguội” không phát huy hiệu quả vì không có khả năng chứng minh hành vi vi phạm. Trong khi đó, chứng minh vi phạm là nghĩa vụ của người xử phạt.

Xem xét trong Nghị định 46/2016 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) thì những hành vi không thể xử phạt thông qua “phạt nguội” chiếm số lượng lớn hơn rất nhiều so với các hành vi có thể tiến hành “phạt nguội”. Do đó, “phạt nguội” vẫn không thể phát huy tác dụng tích cực trong những trường hợp này.

Thứ ba, theo Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì “mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”. Khi “phạt nguội” thì rõ ràng hành vi vi phạm đã không được ngăn chặn kịp thời. Từ đó, hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn sau đó trên thực tế và có thể gây ra hậu quả xấu từ hành vi vi phạm này.

Đối với các hành vi như chở hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, chở khách vượt quá số lượng vi phạm… thì khi phát hiện, người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải sắp xếp xe khác để vận chuyển hàng hóa, hành lý, hành khách quá quy định. Nhờ vậy chúng ta khắc phục ngay những hậu quả xấu do vi phạm gây ra. Tuy nhiên, nếu “phạt nguội” thì chúng ta không đạt được những kết quả như kỳ vọng. Trong những trường hợp này, chẳng khác nào để mặc cho vi phạm tiếp tục diễn ra.

Cuối cùng, “phạt nguội” có thể dẫn đến tâm lý chủ quan của người có thẩm quyền mà lơ là trong đấu tranh phòng, chống vi phạm giao thông trực tiếp, kịp thời. Với lý do cho rằng có thể thu thập hành vi vi phạm thông qua phương tiện nghiệp vụ kỹ thuật và nếu không thể phạt ngay thì có thể “phạt nguội”, tình trạng chủ quan, thiếu trách nhiệm rất có thể sẽ xảy ra. Kết quả của sự chủ quan, thiếu trách nhiệm này là tình hình vi phạm giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp.

Những điều nói trên sẽ là thách thức không nhỏ cho cơ quan chức năng. Hy vọng tới đây, những vấn đề này sẽ được Bộ Công an “hóa giải” để việc “phạt nguội” phát huy tác dụng, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông, bảo vệ người đi đường bình an, vô sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm