Nhiều bất ngờ ở tội danh lần đầu xét xử

Cụ thể, trong phiên xử sơ thẩm ngày 1-11, TAND quận Thủ Đức đã tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Sáng 18 tháng tù về tội danh trên theo khoản 1 Điều 317. Bị cáo này là chủ một cơ sở chế biến nông sản chuyên cung cấp hàng ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Hơn một năm trời (từ tháng 1-2017 cho đến khi bị Công an TP.HCM phát hiện vào giữa tháng 4-2018), để sản phẩm sạch đẹp, không bị hư thối, mỗi ngày bị cáo thuê người ngâm 7-8 tấn củ cải, cà rốt vào chất tẩy trắng bị cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Lý do là chất tẩy đó có chứa hóa chất làm tổn thương hệ tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, tổn thương mao mạch. Nếu thường xuyên bị nạp vào, lượng hóa chất ấy sẽ tích tụ trong cơ thể, gây ung thư.

Phải nói ngay tội danh trên không hề mới toanh mà đã có từ lâu ở Điều 244 BLHS 1999 với tên gọi dài hơn là tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bị cáo Bùi Văn Sáng tại tòa ngày 1-11. Ảnh: MINH VƯƠNG

Điều đáng nói là dẫu tình trạng gây mất an toàn thực phẩm xảy ra hà rầm đến nỗi có thời điểm ai nấy hoang mang không biết ăn gì để sống nhưng lại không có nhiều vụ bị xử phạt hành chính và càng rất hiếm vụ bị xử hình sự để đủ sức răn đe.

Theo thống kê của ngành công an, từ năm 2011 đến 2016, cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân chỉ khởi tố một vụ về tội danh theo Điều 244 BLHS 1999. Vụ này xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, ba bị can gồm có giám đốc một công ty xuất nhập khẩu cùng hai nhân viên đã có hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu gây ngộ độc làm chết bốn người tại tỉnh.

Chính yếu tố “bốn người chết” đã tiết lộ vì sao hiếm hoi xử lý hình sự và cũng từ đây mà luật mới bắt buộc có sự khác biệt lớn so với luật cũ. Đó là luật cũ chỉ xử tội khi có chết người hay có sự tổn hại sức khỏe (trong khi hậu quả không phải lúc nào cũng tức thì và ngay cả khingười sử dụng phát bệnh sau tháng này năm nọ thì cũng không thể chứng minh là do ăn, uống thực phẩm độc hại). Do vậy, luật mới không còn yêu cầu phải có sự thiệt mạng hay có sự sụt giảm sức khỏe một cách chung chung.

Chi tiết hơn, theo luật cũ thì người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm có biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì mới bị tội với mức phạt tù tối đa là 15 năm.

Đối với luật hiện tại thì có năm nhóm hành vi bị xem là phạm tội (mời xem box). Tùy thuộc vào giá trị sản phẩm gây độc hại, số lượng người bị ngộ độc hoặc tỉ lệ tổn thương cơ thể mà người thực hiện một trong các hành vi đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức phạt gồm có phạt tiền (cao nhất là 500 triệu đồng) hoặc phạt tù (cao nhất là 20 năm).

Chẳng hạn, theo khoản 1 Điều 317 BLHS hiện hành, người sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm… mà biết rõ là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm sẽ bị tội khi thuộc các trường hợp quy định. Gồm có: Sản phẩm có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hoặc gây ngộ độc cho từ năm người đến 20 người; hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi đó hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Mức phạt là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm…

Mong là sự thay đổi đó của luật hình sự sẽ khiến những người buôn gian bán lận theo kiểu sát hại đồng loại - như trường hợp của bị cáo đầu tiên trên - biết sợ mà dừng lại ngay. Nếu không, họ có thể bị các tòa áp dụng mức phạt cao hơn mức đã được TAND quận Thủ Đức tuyên xử.

5 nhóm hành vi phạm tội về an toàn thực phẩm

Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết rõ là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm (nói gọn là trái phép);

- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm chế biến từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy;

- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trái phép;

- Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trái phép;

- Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.

(Theo Điều 317 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, 
về 
tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm