Đằng sau việc bỏ sổ hộ khẩu

Nhiều người đang có cảm xúc vui, tán thành, mong đợi… như vậy khi nghe tin Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ đệ trình Quốc hội xem xét bỏ sổ hộ khẩu.

Tiếng là để xác định nơi thường trú của từng người nhưng thực tế thì sổ hộ khẩu còn kiêm nhiệm nhiều chức năng khác khiến cho nhiều gia đình hết sức nhọc nhằn.

Trong việc cấp sổ hộ khẩu, tuy đã bớt gây khó hơn trước nhưng các quy định hiện hành vẫn lùng bùng tựa như đánh đố. Chẳng hạn, luật yêu cầu mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống. Song như thế nào là nơi thường xuyên sinh sống thì không có lời giải thích cụ thể dẫn đến mỗi nơi tự hiểu, tự làm. Có nơi coi việc người dân mỗi tháng cư trú từ hai đến bốn tuần là thỏa mãn điều kiện. Lại có nơi tuy không căn ke sự liên tục nhưng buộc phải có ít nhất từ chín tháng trở lên trong một năm…

Ớn nhất vẫn là nhiều ngành đã lấy sổ hộ khẩu là tiêu chí giải quyết các thủ tục hành chính, chế độ chính sách, quyền lợi của người dân. Nào là cấp đất xây dựng nhà ở; ký hợp đồng cung cấp điện, nước sinh hoạt; tuyển chọn học sinh các bậc học; xác lập hộ nghèo...

Hệ lụy là chuyện nhỏ, lớn gì có liên quan mật thiết đến cuộc sống của từng người, từng gia đình cũng đều phải có sổ hộ khẩu mới được việc. Đi đăng ký kết hôn cần có sổ hộ khẩu. Đi làm khai sinh hoặc lo cho con, em một chỗ học cũng cần sổ hộ khẩu. Đi mua chiếc xe máy, ô tô phải có sổ hộ khẩu. Đi chuyển nhượng nhà, đất càng bị đòi sổ hộ khẩu…

Để rồi khi mỗi cơ quan mạnh ai nấy đòi sổ hộ khẩu thì không chỉ là bản chính được xuất trình mà còn có vô số bản sao y có chứng thực, bản phôtô phải nộp kèm theo... Đố mà tính cho nổi muôn vàn phiền phức, tốn kém, lãng phí từ đây!

Những vô lý cùng cực ấy, dân tình kêu rân trời suốt thời gian dài nên các cơ quan có thẩm quyền không thể không biết. Thế nhưng vì chưa đủ điều kiện và cả nỗ lực thay đổi nên các cơ quan chỉ có thể giảm nhỏ giọt và phải đến tận giờ Bộ Công an mới xúc tiến xóa bỏ.

Điều cần được mọi người lưu ý là bỏ sổ hộ khẩu không đồng nghĩa là bỏ việc đăng ký thường trú.

Theo một báo cáo của Bộ Công an và dự thảo Luật Cư trú sửa đổi mà bộ này đang lấy ý kiến góp ý, việc đăng ký thường trú, tạm trú vẫn sẽ được tiến hành bình thường. Có điều làthay vì cấp sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú,bộ này sẽ quản lý cư trú thông qua mã số định danh cá nhân và cập nhật kết quả đăng ký trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khai thác chung cơ sở dữ liệu này để xử lý công việc, tránh cho dân việc nộp tới nộp lui nhiều giấy tờ.

Thêm thông tin nữa mà có lẽ nhiều người đã và sẽ nhập cư vào các thành phố trực thuộc trung ương cần dõi theo để biết kết cục. Dự thảo luật trên đưa ra hai phương án để những người này được đăng ký thường trú.

Phương án một là giữ nguyên quy định hiện tại (như cần có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên…). Phương án hai là tăng thời hạn tạm trú lên hai năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào quận, đồng thời quy định điều kiện về diện tích tối thiểu về chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân.

Ở thời điểm này, ban soạn thảo dự thảo luật đề nghị được chọn phương án hai. Lý do là để giảm tốc độ tăng dân số cơ học vào các thành phố đó. Qua đó, chính quyền địa phương sẽ có thêm thời gian, tiền của để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công phục vụ quyền lợi hợp pháp của người dân đang cư trú tại địa phương…

Bỏ sổ hộ khẩu chính là để vứt bỏ cho người dân những rườm rà, phiền nhiễu dắt dây và đương nhiên là làm càng nhanh càng tốt. Riêng việc khép cửa với người nhập cư, lại lần nữa cần phải nhận thấy những rào cản hành chính khó có tác dụng tốt bởi lẽ dẫu chưa hay không cho đăng ký thường trú thì họ vẫn cứ đến, ở, làm việc…

Thay cho phương án hai, các cơ quan trung ương cần tiếp tục tính toán nhiều giải pháp về kinh tế khác cho hiệu quả hơn. Trong đó, việc nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho các TP lớn (như TP.HCM từ mức 18% hiện tại có thể tăng lên 33%) để các TP có điều kiện phát triển hơn, phục vụ cư dân tốt hơn trước sự gia tăng dân số tất yếu là một kiến nghị cần được đặc biệt lưu tâm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm