Chính phủ kiến tạo và chuyện từ chối khai tử

Nếu căn cứ theo hiến pháp thì Thủ tướng có thẩm quyền lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia. Khi Thủ tướng phải đích thân chỉ đạo một việc ở cấp phường thì rõ ràng hoạt động của hệ thống hành chính có vấn đề.

Nên nhớ những vụ việc chậm cấp giấy khai tử ở địa phương như ở Bình Dương không phải là phổ biến. (Hơn một năm trước, một vụ tương tự như thế đã xảy ra ở phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội.) Rất có thể việc cấp giấy khai tử không hẳn đã nhiêu khê như vậy nhưng Thủ tướng với phương châm 12 chữ mới đây là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá” đã không chấp nhận được bất kể trúc trắc nào trong thi hành công vụ.

Bởi nói cho rõ ràng, Luật Cán bộ, công chức không có điều khoản nào cho phép công chức có thể gây khó khăn, sách nhiễu hay hách dịch như trường hợp chậm cấp giấy chứng tử ở Tân Uyên, Bình Dương. Ngược lại, luật ấy còn có những quy định hết sức nhân văn như: Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ.

Sau khi bị phản ánh, UBND phường Tân Phước Khánh đã xin lỗi, chia buồn và cấp giấy khai tử cho bé bị tai nạn.

Nếu đối chiếu với các yêu cầu này của công chức mà luật đã quy định thì rõ ràng việc lãnh đạo và cán bộ tư pháp UBND phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) gây khó khăn cho người dân trong việc giải quyết thủ tục đăng ký khai tử là trái luật. Đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” chắc hẳn không cho phép lãnh đạo và cán bộ tư pháp phường năm lần bảy lượt gây khó khăn, phiền hà cho người dân như vậy.

Phải thấy rằng một khi vụ việc đã khiến đích thân Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến thì chắc chắn vụ việc ấy đã gây ra bức xúc trong dư luận đối với hệ thống công vụ. Khoan hãy nói với “vô cảm”, mà chỉ riêng việc không tuân thủ tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân mà Luật Cán bộ, công chức đã quy định cho thấy: Hệ thống hành chính đang có vấn đề. Thế mới hiểu vì sao phương châm hành động của Thủ tướng Chính phủ lại đặt “kỷ cương” lên đầu.

Bởi khi “kỷ cương hành chính” là thứ xa xỉ hay không được cán bộ, công chức tuân thủ thì rõ ràng hệ thống hành chính đang không hoạt động đúng theo hiến pháp và pháp luật. Cần có chế tài hay không cũng là một chuyện đáng bàn.

Bởi luật đã coi tận tụy phục vụ nhân dân, không được gây khó khăn, phiền hà… cho công dân là nghĩa vụ của công chức thì khi vi phạm nghĩa vụ ấy, tất nhiên công chức phải bị kỷ luật. Nghị định 34/2011 của Chính phủ về kỷ luật công chức cũng đã nêu rõ trường hợp vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ… phải bị kỷ luật.

Thật ra, kỷ luật luôn luôn là hình thức răn đe để cán bộ, công chức hoàn thành nghĩa vụ tận tụy phục vụ nhân dân. Xét cho đến cùng, cán bộ, công chức được sinh ra với sứ mạng cao cả ấy. Nếu không, không có lý do gì để hệ thống hành chính quốc gia tồn tại.

Dĩ nhiên, rất có thể căn cứ theo Nghị định 34/2011, lãnh đạo và cán bộ tư pháp phường Tân Phước Khánh chưa đến mức phải bị buộc thôi việc - hình thức kỷ luật cao nhất nhưng ít nhất cũng phải có một hình thức kỷ luật tương xứng. Bởi dù đây là vụ việc nhỏ nhưng khi nó đã gây ra bức xúc đến mức Thủ tướng phải chỉ đạo thì rõ ràng tầm ảnh hưởng… tiêu cực của nó đã không còn ở phạm vi… cấp phường.

Thủ tướng từng nói: Ai không ủng hộ cải cách, không tận tụy thì phải đứng sang một bên. Có lẽ lãnh đạo và cán bộ phường Tân Phước Khánh phải suy nghĩ về điều này. Không chỉ vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng cần có phương án, giải pháp cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là chờ báo cáo để tiếp tục… báo cáo lên Thủ tướng. Bởi hành vi này đã vi phạm cả đạo lý và pháp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm