Luật sư vào trại giam tư vấn cho phạm nhân…

Đó chỉ là một trong số nhiều câu hỏi hóc búa mà phạm nhân Trại giam Xuân Nguyên (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đặt ra cho luật sư tại buổi tư vấn pháp luật.

Sự kiện này do Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam, CLB LS Long Biên (Hà Nội) và Trại giam Xuân Nguyên phối hợp thực hiện nhân dịp Ngày truyền thống luật sư (10-10).

“Các bạn hỏi hóc búa quá”

Một phạm nhân đang chấp hành bản án sáu năm tù tại Trại giam Xuân Nguyên về tội chứa mại dâm hỏi: “Nếu Nhà nước xóa bỏ tội danh chứa mại dâm, kinh doanh mại dâm trở thành hợp pháp thì tôi có được miễn chấp hành bản án và được phép… kinh doanh tiếp hay không”.

Trước khi trả lời câu hỏi này, LS Lê Trung Sơn (Đoàn LS TP Hà Nội) bình luận: “Các bạn đặt những câu hỏi hóc búa, rất khó…”. Sau đó, ông dẫn ra những quy định về xóa bỏ tội danh, miễn chấp hành hình phạt để giải thích. “Việc miễn hình phạt phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Nếu dịp đặc xá hoặc đại xá thì được miễn hình phạt. Với tội danh đã được BLHS xóa bỏ thì hình phạt đương nhiên bị xóa bỏ theo vì hành vi tội phạm không còn phù hợp với quy định của pháp luật hình sự nữa. Nhà nước khi đó sẽ có những quy định và biện pháp thực hiện…” - LS Sơn nói.

Đồng tình, LS Bùi Đình Ứng (Chủ nhiệm CLB LS Long Biên) lưu ý: BLHS 2015 vẫn còn tội chứa mại dâm. Nếu sau này pháp luật hình sự thay đổi, không coi chứa mại dâm là tội phạm thì Quốc hội sẽ có văn bản hướng dẫn. “Nhưng tôi nghĩ chuyện này còn xa lắm. Nếu pháp luật hình sự bỏ tội danh này thì đương nhiên bạn được miễn hình phạt tù còn lại, được xóa án tích. Nếu bạn chấp hành hình phạt rồi nhưng chưa được xóa án tích thì đương nhiên bạn được xóa án tích” - LS Ứng giải thích thêm. Đồng thời ông động viên: “Bạn hãy cố gắng phấn đấu cải tạo tốt để được giảm án, được đặc xá trước đã”.

LS Nguyễn Thị Kim Thanh (phải) hứa sau khi phạm nhân này ra tù sẽ trợ giúp pháp lý miễn phí. Ảnh: C.LUẬN

Day dứt tình cha con

Trong số hơn 360 trại viên Trại giam Xuân Nguyên có mặt tại buổi giao lưu, tuyên truyền và tư vấn pháp luật này, nhiều người đã đứng lên bày tỏ những lo lắng, tâm tư về hoàn cảnh gia đình.

“Tôi đã cưới vợ và có con nhưng không đăng ký kết hôn. Vợ tôi ở nhà ra phường làm khai sinh cho con tôi. Công an quản lý hộ khẩu nói con tôi phải mang họ của mẹ chứ không mang họ tôi. Tôi phải làm gì để con tôi mang họ tôi? Công an cũng giải thích sau này muốn nhận con thì phải làm nhiều thủ tục rất phức tạp. Tôi phải làm gì vì tôi cũng sắp hết án, sắp được về nhà rồi” - một phạm nhân hỏi.

“Bạn không làm gì được vì bạn đang phải ngồi ở đây!” - LS Ứng thẳng thắn trả lời và đề nghị LS Nguyễn Thị Kim Thanh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn LS Việt Nam) giải thích thêm.

Sau khi giải thích một số vấn đề về thẩm quyền cấp giấy khai sinh, LS Kim Thanh nói: “Khi bạn ra tù, bạn có thể giám định ADN để xác định đó là con của bạn. Khi có kết quả rồi thì bạn có thể thỏa thuận với vợ xem con mang họ bạn hay họ vợ bạn”. Theo LS Kim Thanh, nếu hai vợ chồng không có tranh chấp về con cái thì chỉ cần người vợ đồng ý đó là con của bạn, đồng ý con sẽ mang họ bố thì việc làm giấy khai sinh là khá dễ dàng. “Quan trọng là bạn và vợ bạn không có mâu thuẫn” - LS Kim Thanh nói.

Nghe xong, một phạm nhân khác đứng lên nêu tình huống có vẻ… éo le hơn: “Tôi và vợ có một đứa con. Hai vợ chồng chưa đăng ký kết hôn. Tôi đi tù thì con tôi lấy họ theo anh trai tôi. Vậy sau này tôi làm sao để lấy lại con tôi trên giấy tờ? Vì nó liên quan nhiều đến thủ tục như thừa kế chẳng hạn”.

LS Kim Thanh hỏi lại: “Liệu khi em ra tù, giữa anh trai em, em và vợ em có tranh chấp về cháu bé đó không?”. Khi phạm nhân trả lời là không, LS Kim Thanh nói: “Nếu không thì quá dễ. Em nói với anh trai và vợ làm thủ tục ra tòa, thỏa thuận trao trả tên cha đứa bé về cho em”.

Sau khi đặt ra một số giả thiết về khó khăn trong thủ tục, LS Kim Thanh đã hứa: “Khi nào em ra tù, em cứ liên hệ với tôi để tôi trợ giúp pháp lý miễn phí cho em vụ này. Một năm nữa gặp lại tôi nhé!”. Bà nói xong, một tràng pháo tay vang lên mãi không dứt...

Ra tù, đi làm thoải mái!

Buổi tư vấn, tuyên truyền pháp luật nói trên còn có rất nhiều câu hỏi và đều được các LS trả lời thấu đáo. Chúng tôi xin lược trích một số câu hỏi và câu trả lời của LS.

. Khi em xong hình phạt, có phải chờ xóa án tích mới đi xin việc được không?

+ LS Bùi Đình Ứng: Không cần! Một công ty TNHH hoàn toàn có thể bổ nhiệm bạn làm phó giám đốc cũng chả sao. Chỉ có làm giám đốc thì không được vì bạn chưa đủ điều kiện là người đại diện theo pháp luật. Còn bạn thi công chức, ứng cử đại biểu HĐND thì không được…

. Tôi chuẩn bị hết án nhưng gia đình tôi đang định cư ở nước ngoài. Vậy khi ra tù tôi có được đi xuất cảnh luôn không?

+ Đừng mơ (cười) vì bạn chưa được xóa án tích. Nếu tội bạn phạm được xóa bỏ trong BLHS rồi thì đương nhiên bạn đã được xóa án tích và xuất cảnh luôn. Còn lại các quy định về xóa án tích đã rất rõ ràng trong luật. Hơn nữa, ngay cả nước mà gia đình bạn đang nhập cư cũng sẽ yêu cầu trích lục lý lịch tư pháp của bạn. Nếu chưa được xóa án tích, họ sẽ không chấp thuận cho bạn nhập cảnh. Còn trường hợp xóa án tích theo quyết định của tòa án thì tùy việc bạn kiến nghị và tòa án xem xét.

. Em phạm tội cố ý gây thương tích ba lần, ra tòa ba lần nhưng tòa không tuyên được mức bồi thường cho bên bị hại. Vậy cái đó có ảnh hưởng gì tới giảm án, đặc xá của em không?

+ Bản án không tuyên thì không sao! Tuy nhiên, lưu ý là chúng ta hay quên án phí hình sự sơ thẩm, phúc thẩm. Nếu chưa nộp thì cố gắng nhớ nộp. Nhỡ đủ thời gian chấp hành hay các điều kiện thi đua để giảm án mà chưa nộp án phí thì lại bị coi là chưa chấp hành xong bản án.

Sau khi được phạm nhân nói rõ hơn là có thêm hai người cùng gây án với phạm nhân nhưng bị bắt sau, LS Ứng giải thích về quy trình tố tụng trong vụ án đó và cho hay: Phạm nhân sau khi ra tù có thể khởi kiện dân sự với hai đồng phạm kia về nghĩa vụ bồi thường chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm