Luật sư ông Phạm Công Danh đòi ngân hàng trả 7.800 tỉ đồng

Ngày 23-6, phiên phúc thẩm đại án Hứa Thị Phấn (cựu cố vấn cấp cao HĐQT TRUSTBank) giai đoạn 2 gây thiệt hại 1.338 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TRUSTBank) bước vào phần tranh luận các kháng cáo.

Đáng chú ý, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh cho rằng Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên xây dựng Việt Nam (CB, tiền thân là TRUSTBank sau là VNCB, nguyên đơn dân sự vụ án- PV) còn đang có nghĩa vụ trả nợ tập đoàn Thiên Thanh hơn 7.800 tỉ đồng cả gốc và lãi. 

Một trong những nội dung kháng cáo của ông Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh chính là các tài sản liên quan đến quá trình chuyển giao cổ phần Ngân hàng Đại Tín giữa 2 nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Phấn đại diện) và nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Danh đại diện).

Luật sư tranh luận về kháng cáo của ông Phạm Công Danh. Ảnh: YT

Bản án phúc thẩm tháng 12-2018 vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm thì Ngân hàng CB có trách nhiệm phải hoàn trả ông Danh, các cổ đông cá nhân của Tập đoàn Thiên Thanh số tiền 4.500 tỉ đồng.

Đây là số tiền ông Danh và các cổ đông Thiên Thanh đã nộp vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng vào năm 2014.

Tuy nhiên, sau đó, ngân hàng Nhà nước không thông qua việc tăng vốn nên khoản tiền này vẫn là tài sản của ông Danh và nhóm cổ đông Thiên Thanh.

Luật sư phân tích về nguyên tắc tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận cho Ngân hàng VNCB (nay là Ngân hàng CB) tăng vốn, thì Ngân hàng phải hoàn trả ngay lập tức số tiền này cho "khổ chủ".

Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, Ngân hàng VNCB nay là Ngân hàng CB vẫn sử dụng khoản tiền 4.500 tỉ đồng cho mục đích hoạt động của Ngân hàng mà không trả cho người chủ sở hữu.

"Việc chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền nêu trên của Ngân hàng CB phát sinh trách nhiệm của Ngân hàng CB thanh toán một khoản tiền lãi do chậm trả tiền cho ông ông Danh cùng các cổ đông của Tập đoàn Thiên Thanh dựa trên quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.

Theo cách tính của tập đoàn Thiên Thanh thì đến nay, số tiền lãi mà ngân hàng CB phải trả cho tập đoàn này là hơn 3.300 tỉ đồng.

Cộng với số tiền 4.500 tỉ đồng trước đó mà ngân hàng này chưa trả thì tổng số tiền mà CB đang nợ Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh là 7.800 tỉ đồng." Luật sư nêu quan điểm.

Luật sư cũng cho rằng theo thống nhất của ông Danh và các cổ đông, số tiền này sẽ được dùng đối trừ cho các nghĩa vụ thanh toán của Tập đoàn Thiên Thanh, ông Danh trước Ngân hàng CB.

Về số tiền lãi phạt 756 tỉ đồng mà án sơ thẩm buộc ông Danh và tập đoàn Thiên Thanh phải trả cho Ngân hàng CB 29 khoản vay để nhận lại 97 bất động sản trong vụ án, luật sư cho rằng đây là tính lãi chồng lên lãi.

Theo đó, khoản tiền này là tiền lãi vay của nhóm cổ đông Phú Mỹ với 29 khoản vay và được bảo đảm bằng các bất động sản liên quan.

Với lập luận, khi ông Danh nhận quyền chuyển giao các tài sản thì cũng phải nhận trách nhiệm đối với các khoản vay này.

Bản án xác định dư nợ của các khoản vay đến tháng 10-2012 là 3.581 tỉ đồng (bao gồm cả gốc và lãi).

Khoản tiền gốc này ông Danh và nhóm cổ đông Thiên Thanh đã thanh toán nhưng tiền lãi thì chưa trả. Do đó, án sơ thẩm tính số tiền còn lại (gồm cả lãi) là 756 tỉ đồng và buộc ông Danh phải trả.

Luật sư cho rằng bản án sơ thẩm đã bỏ quên thực tế là việc chuyển giao cổ phần của ngân hàng và các tài sản thế chấp nằm trong phương án tái cấu trúc ngân hàng chứ không phải việc mua bán thông thường.

Hơn nữa, ngân hà g Xây dựng đã có nghị quyết miễn lãi cho nhóm cổ đông Phú Mỹ. Đồng thời, theo bản án sơ thẩm, số tiền cho 29 khoản vay là 3.581 tỉ đồng là gồm cả tiền lãi.

Như vậy, sau này án sơ thẩm lại tính 756 tỉ tiền lãi trên số tiền đã có lãi là không đúng căn cứ pháp luật. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX tuyên sửa bản án sơ thẩm không buộc ông Danh phải hoàn trả số tiền lãi 756 tỉ đồng này.

Một luật sư khác đi vào 6 bất động sản (đứng tên Lâm Kim Dũng tương đương 20.000m2 đất tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM) mà ông Danh và tập đoàn Thiên Thanh có kháng cáo.

Luật sư cho rằng số bất động sản này nằm trong thỏa thuận mua bán chuyển giao ngân hàng giữa 2 nhóm cổ đông Phú Mỹ và Thiên Thanh (ông Danh đã trả tiền cho bà Phấn) nhưng những tài sản này vẫn chưa được chuyển giao cho nhóm cổ đông Thiên Thanh. 

Việc bản án sơ thẩm không giao lại 6 bất động sản này cho ông và Tập đoàn Thiên Thanh là gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm cổ đông Thiên Thanh và cá nhân ông ông Danh.

Theo án sơ thẩm, vụ án được xác định là 114 bất động sản. Tuy nhiên, trong đơn kháng cáo của ông ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh, tổng số bất động sản liên quan đến là 120.

Trước đó, quan điểm của VKS với 6 bất động sản này là bản án sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh đã đề cập đến. Do vậy đề nghị ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện các thủ tục giám đốc thẩm.

Phiên toà chiều nghỉ mai sẽ tiếp tục với phần tranh luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm