Luật sư ngồi ngang hàng với VKS

Bên cạnh thủ tục đăng ký bào chữa, một điểm mới nổi bật khác trong BLTTHS 2015 là quy định về phòng xử án (Điều 257). Theo đó, phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư (LS), người bào chữa khác. Điều luật cũng giao cho chánh án TAND Tối cao quy định cụ thể về phòng xử án theo tinh thần trên.

Chỗ ngồi thể hiện sự bình đẳng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các LS đều ủng hộ quy định trên, đều hy vọng vị trí chỗ ngồi mới sẽ sớm được TAND Tối cao hướng dẫn và triển khai thực hiện theo đúng tinh thần của luật.

Theo LS Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Phước), hai bên buộc tội - gỡ tội có ngồi ngang hàng thì mới có bình đẳng, có bình đẳng thì mới có tranh tụng chất lượng. “Dù LS không phải là người tiến hành tố tụng nhưng xét ở đối trọng trong khuôn khổ tranh tụng tại phiên tòa thì luật sư lại ngang hàng với kiểm sát viên (KSV). Việc thay đổi chỗ ngồi này không tốn kém nhiều tiền bạc, với điều kiện phòng xử án của chúng ta hiện nay thì có thể dễ dàng thực hiện” - LS Vinh nói.

LS Phan Ngọc Nhàn (Đoàn LS tỉnh Đắk Lắk) kể: “Năm 2001, khi tôi còn làm chánh văn phòng TAND tỉnh Đắk Lắk, trước phiên xử một vụ vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ, VKS tỉnh gửi văn bản đề nghị tòa bố trí chỗ ngồi khác so với bình thường. Cụ thể là bàn của KSV ngồi lùi về phía sau một chút so với bàn của HĐXX để KSV kiểm sát toàn bộ hoạt động xét xử. Lúc đó tôi tham mưu cho chánh án làm công văn từ chối ngay đề nghị vô lý ấy của VKS”.

Từ câu chuyện trên, LS Nhàn nhận xét xu hướng của VKS là lúc nào cũng muốn ngang hàng, thậm chí là “có quyền to” hơn HĐXX. Nhưng luật đã quy định chỉ có tòa là cơ quan xét xử, có quyền kết luận bị cáo phạm tội hay không. Do vậy vai trò điều khiển phiên tòa của HĐXX là lớn nhất. “Việc BLTTHS 2015 có quy định mới về phòng xử án là rất phù hợp, rất đáng ghi nhận để đưa hoạt động xét xử đến xu hướng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các bên buộc tội - gỡ tội” - LS Nhàn nhận xét.

Vị trí chỗ ngồi trong phiên tòa hiện nay (KSV ngồi ngang hàng HĐXX, phía trên LS). Ảnh: T.TÙNG

Phù hợp với cải cách tư pháp

Nguyên Viện trưởng VKSND quận 5 (TP.HCM) Nguyễn Kim Tiếng cũng ủng hộ sự thay đổi này, cho rằng nó tạo ra sự bình đẳng cần thiết tại phiên tòa. Theo đó, HĐXX thay mặt Nhà nước xét xử thì có quyền ngồi cao nhất để điều hành phiên tòa. Bên buộc tội (VKS) và bên gỡ tội (LS) phải ngồi phía dưới, ngang hàng nhau để tiện cho việc tranh tụng, đồng thời tạo tâm lý thoải mái cho các bên. “VKS kiểm sát hoạt động tư pháp tại tòa thì ngồi chỗ nào cũng thực hiện được nhiệm vụ, không cần phải phân chia trên dưới” - ông Tiếng khẳng định.

Một giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết nhiều nước như Mỹ, Anh, Nga… đều sắp xếp chỗ ngồi của công tố viên và LS ngang hàng nhau trong phòng xử án. Trong khi đó, chúng ta đang hướng tới một nền tư pháp hiện đại và hội nhập thì phải tranh thủ học hỏi những kinh nghiệm hay, loại bỏ những điểm bảo thủ, lạc hậu.

Nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Phạm Công Hùng cũng nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc TAND Tối cao bố trí lại chỗ ngồi bình đẳng giữa KSV và LS. Thay đổi trên là điều rất cần thiết, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp”.

“Không ngồi thì mời ông về”

Trước đây, dự thảo BLTTHS 2015 quy định vẫn giữ vị trí chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng như cũ.

Ngày 2-11, tại Hà Nội, TAND Tối cao đã tổ chức hội thảo về “Đề án đổi mới trang phục của thẩm phán, hội thẩm và mô hình phòng xét xử”. Rất nhiều ý kiến ủng hộ việc bố trí lại vị trí chỗ ngồi của KSV và LS để thể hiện sự bình đẳng, tạo tâm lý thuận lợi cho LS khi tranh tụng. Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Nguyễn Mai Bộ còn cho biết: “Tòa án Quân sự khu vực I đã tổ chức theo mô hình trên. Ban đầu KSV không chịu ngồi, tôi nói không ngồi thì mời ông về, tôi báo cáo tư lệnh. Tư lệnh duyệt tôi xây như thế rồi. Ông kiểm sát vào ngồi, dần rồi cũng quen”. Nhiều đại biểu khác cũng dẫn chứng mô hình phòng xử mà TAND TP Đà Nẵng áp dụng (KSV và LS ngồi đối diện, ngang hàng nhau) để ủng hộ.

Khi dự thảo BLTTHS 2015 được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc sắp xếp vị trí chỗ ngồi của KSV ngang hàng với LS. TAND Tối cao cũng đề nghị giao cho cơ quan này hướng dẫn, cuối cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận và chỉnh lý Điều 257. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định vị trí ngồi trong phòng xử án thể hiện sự bình đẳng giữa KSV với người bào chữa là cần thiết để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

Xu hướng chung của nhiều nước

Quá trình góp ý dự thảo BLTTHS 2015, Liên đoàn LS xuất phát từ kết quả khảo sát thiết kế phòng xử của nhiều nước như Hoa Kỳ, Canada, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc... cũng như thực tế phòng xử án tại TAND tỉnh Bình Dương, TAND TP Đà Nẵng đã đề nghị thiết kế vị trí chỗ ngồi ngang bằng nhau, thể hiện sự bình đẳng giữa đại diện VKS thực hiện chức năng buộc tội và LS thực hiện chức năng bào chữa. Đây không chỉ là vấn đề thay đổi vị trí ngồi một cách cơ học mà phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo (khoản 5 Điều 103) cũng như chủ trương cải cách tư pháp của Đảng ta thể hiện trong Nghị quyết số 08 ngày 2-1-2002, Nghị quyết số 49 ngày 2-6-2005. Ngay trước thời điểm Quốc hội thông qua BLTTHS 2015, TAND Tối cao cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, ghi nhận và tổng hợp nhiều ý kiến tích cực liên quan đến việc bố trí phòng xử án.

BLTTHS 2015 quy định theo hướng mở, giao cho TAND Tối cao quy định cụ thể là giải pháp tốt nhất. Như vậy, việc thiết kế phòng xử án, thiết lập vị trí chỗ ngồi thuộc thẩm quyền của chánh án TAND Tối cao, trên nguyên tắc phải bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và người bào chữa.

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm