Luật sư: Không thất thoát sao buộc tội ông Đinh La Thăng?

Ngày 18-12, TAND TP.HCM tiến hành cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong sai phạm tại cao tốc Trung Lương - TP.HCM.

Theo sắp xếp của chủ toạ, các luật sư của ông Đinh La Thăng (cựu bộ trưởng Bộ GTVT) bào chữa trước. 

Dù ông Thăng không nhận tội nhưng trước đó VKS đã đề nghị phạt 10-11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án. Ảnh: HOÀNG GIANG

Không đồng ý với cáo buộc trên, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với ông Thăng vì cáo buộc của VKS là không phù hợp với chứng cứ thu thập được. Luật sư cho rằng không thỏa mãn với tội theo luật định mà VKS nêu. 

Luật sư phân tích việc nói ông Thăng giới thiệu Đinh Ngọc Hệ là không có cơ sở, vì không có chứng cứ. Hồ sơ và kết quả thẩm vấn tại toà các ngày qua cho thấy các văn bản mà cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường gửi cho ông Thăng chỉ mang tính chất thông báo; không có chứng cứ chứng minh ông Thăng được báo cáo và biết việc bán đấu giá sai quy định.

Cạnh đó, cáo buộc ông Thăng có vai trò quyết định bán quyền thu phí nghe thì có lý vì ông Thăng là Bộ trưởng nhưng việc này là do một hội đồng tiến hành. 

“Ông Thăng là bộ trưởng nhưng không thể quyết định bán cho ai, bán ra sao, như thế nào. Bộ trưởng chỉ quản lý chung. Không có chứng cứ thể hiện ông Thăng có vai trò quyết định với kết quả bán đấu giá” - luật sư nhấn mạinh.

Ông Đinh La Thăng trước giờ nghe VKS luận tội. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về dấu hiệu cấu thành tội danh ông Thăng bị truy tố là phải gây thất thoát cho Nhà nước. Tuy nhiên hơn 725 tỉ đồng trong vụ án này không thể coi là khoản tiền nhà nước bị thất thoát vì sau khi bán quyền thu phí, Bộ GTVT đã nhận đủ hơn 2.004 tỉ đồng. Còn lại sau đó, tiền thu phí thuôc về doanh nghiệp không còn là của Bộ. Và không có thất thoát thì sao lại buộc tội ông Thăng. 

Việc che giấu doanh thu thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương nếu có thì ở một hành vi khác nhưng không thể là chiếm đoạt.

Trong phần luận tội, về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo Đinh Ngọc Hệ phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn 725 tỉ chiếm đoạt từ tiền thu phí và 3,4 tỉ đã trục lợi khi mua biệt thự. Đồng thời tiếp tục duy trì lệnh kê biên, phong tỏa tài sản của Bộ Công an kê biên mang tên Đinh Ngọc Hệ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Trước đó trong phần xét hỏi, toà hỏi ông Thăng nếu bằng thủ đoạn gian dối mà có được quyền thu phí này thì hợp đồng này có giá trị không. Ông Thăng cho rằng những việc trái pháp luật phải xử lý theo quy định pháp luật.

Về số tiền tỉ chênh lệch lệch giữa doanh thu thực tế và sổ sách, bị cáo Hệ cho rằng đã thanh toán 2.004 tỉ mua quyền thu phí, nên số tiền này 725 là của ông. Bị cáo Hệ khẳng định "Số tiền này là của tôi, lời ăn lỗ chịu”.

Luật sư bào chữa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cạnh đó, đại diện Công ty Yên Khánh cho rằng số tiền 725 tỉ là của Công ty. Công ty Yên Khánh đã trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương và đã thanh toán đầy đủ 2.004 tỉ đồng cho Công ty Cửu Long.

Từ lúc trúng đấu giá đến nay, không có bất kỳ đơn vị nào khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng trúng đấu giá quyền thu phí. Mặt khác, số tiền trên là lợi tức của Công ty Yên Khánh trong việc thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương. Từ đó, ông đề nghị HĐXX trả lại số tiền này cho Công ty.

Phiên toà vẫn đang tiếp diễn, PLO sẽ cập nhật trong các bản tin sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm