Luật sư: 'Đề nghị tuyên Trịnh Xuân Thanh không phạm tội'

Chiều muộn 10-3, phiên tòa của TAND TP Hà Nội xét xử 12 bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ tiếp tục làm việc. Sau phần luận tội của đại diện VKS, lần lượt các bị cáo cùng luật sư tham gia tranh luận.

Tự bào chữa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí – PVC) đưa ra hàng loạt câu hỏi và đề nghị đại diện VKS tranh luận chi tiết ở lượt đối đáp tiếp theo.

“VKS nói bị cáo nhận tội nhưng không biết căn cứ vào yếu tố gì, biên bản nào, lời khai nào, ở đâu?” – bị cáo mở đầu.

Giống với phần xét hỏi, bị cáo Thanh cho rằng bản thân và bị cáo Đỗ Văn Hồng (cựu chủ tịch HĐQT PVC Kinh Bắc) không hề có sự bàn bạc về số tiền 25 tỉ đồng mà PVC tạm ứng cho PVC Kinh Bắc để từ đó Hồng mang tiền đi mua khu đất 3.400 m2 ở thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Tương tự, bị cáo khẳng định việc chuyển nhượng khu đất từ PVC Kinh Bắc sang Công ty Mai Phương (công ty do bị cáo nhờ cha ruột đứng tên thành lập) rồi lại chuyển sang cho vợ bị cáo đều không liên quan gì đến mình.

“Vợ tôi và cha tôi có bị luật pháp cấm thành lập công ty hay không, có căn cứ nào cho thấy tôi có đưa tiền cho họ để mua đất hay không” – bị cáo đặt câu hỏi và khẳng định không có chuyện mình được hưởng lợi số tiền 3 tỉ đồng (tiền còn nợ PVC Kinh Bắc).

Về sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ, Trịnh Xuân Thanh đề nghị đại diện VKS đưa ra những căn cứ để chứng minh bị cáo vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.

Bị cáo này dẫn giải thời điểm dự án được xác định gây thiệt hại thì mình đang đi học lớp do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức nên chỉ tham gia điều hành một số công việc tại PVC, không tham gia điều hành chuyện làm hồ sơ đề xuất nhận thầu.

Bị cáo cũng nhiều lần nhắc lại quan điểm dự án Ethanol Phú Thọ bị dừng thi công là do “thiếu tiền” chứ không phải liên danh của PVC thiếu năng lực…

Tiếp đó, bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, luật sư nêu quan điểm bản luận tội của VKS xác định bị cáo này có vai trò đồng phạm và tích cực thực hiện hành vi phạm tội là không phù hợp.

Theo luật sư, hồ sơ vụ án chưa có tài liệu chứng cứ nào chứng minh có sự bàn bạc, trao đổi giữa bị cáo Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN) và bị cáo Thanh để PVC được chỉ định thầu. PVB không phải đơn vị trực thuộc PVN nên PVN không thể yêu cầu PVB chỉ định thầu cho PVC, quyền lựa chọn và chấp thuận nhà thầu là thuộc về PVB (chủ đầu tư). Bởi vậy, dù hai bị cáo Thăng và Trần Thị Bình (cựu phó TGĐ PVN) có chỉ đạo về việc chỉ định thầu cho PVC thì PVC cũng khó có thể được chỉ định thầu.

Về số tiền 543 tỉ đồng thiệt hại, luật sư cho rằng đây là số tiền lãi phát sinh được tính từ khi dự án dừng thi công cho đến ngày vụ án bị khởi tố. Thời điểm này, bị cáo Thanh đã chuyển công tác khỏi PVC, lẽ ra người chịu trách nhiệm với số tiền trên phải là chủ đầu tư (PVB) chứ không phải nhà thầu…

Từ những căn cứ đã nêu, luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh không phạm tội.

Sáng nay, 11-3, tòa tiếp tục làm việc.

VKS đề nghị phạt Trịnh Xuân Thanh 21-23 năm tù cho 2 tội

Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh là người duy nhất bị truy tố về cả hai tội danh. VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo 11-12 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, 10-11 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt 21-23 năm tù. Cộng với các bản án trước đó, bị cáo bị đề nghị chịu án là chung thân.

Về dân sự, VKS đề nghị buộc Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường 13,2 tỉ đồng tiền thiệt hại cho PVC. Riêng cá nhân bị cáo Thanh buộc phải trả lại số tiền hưởng lợi 3 tỉ đồng cho PVC Kinh Bắc.

VKS cáo buộc bị cáo Thanh biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn thực hiện chủ trương, chỉ đạo của bị cáo Thăng ký văn bản gửi PVB yêu cầu được chỉ định thầu. Bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm, là người tích cực thực hiện phạm tội, thực hiện phạm tội do một phần lệ thuộc vào sự chỉ đạo cấp trên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm