Luật sư đề nghị hoãn xử phúc thẩm vụ VN Pharma vì COVID

Hôm nay (30-3), luật sư bào chữa cho một bị cáo trong vụ án VN Pharma nhập thuốc trị ung thư giả đã có đơn gửi HĐXX đề nghị hoãn phiên xử phúc thẩm.

Trong đơn gửi đến TAND Cấp cao tại TP.HCM, luật sư cho rằng tình trạng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ và chính quyền địa phương đã có những chỉ đạo quan trọng về việc chống dịch. Ngày 10-3, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã có chỉ thị hỏa tốc đề nghị tạm dừng việc triệu tập các đương sự, cá nhân… đến tòa đối với các vụ án đang còn trong thời hạn giải quyết, để tăng cường công tác phòng, chống dịch, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống tòa án các cấp.

Chính phủ và UBND TP.HCM đã có yêu cầu người dân hạn chế di chuyển, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

“Do đó, với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo trong vụ án, tôi kính đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM tạm hoãn phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 6 đến 8-4 cho đến khi có chỉ thị mới của TAND Tối cao hoặc văn bản chỉ đạo mới của Chính phủ hướng dẫn” - đơn của luật sư viết.

Cựu chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng không kháng cáo nhưng vẫn được đưa đến phiên xử phúc thẩm. Ảnh: HY

Được biết hiện HĐXX chưa có quyết định chính thức nào liên quan đến đề nghị trên của luật sư.

Liên quan đến phiên xử này, cơ quan xét xử trước đó đã triệu tập gần 200 cá nhân đến tòa. Theo đó, tất cả 12 bị cáo của vụ án dù có kháng cáo hay không cũng phải hầu tòa. Đồng thời, phiên xử phúc thẩm này đã ba lần mở và phải hoãn.

Trước đó, ngày 9-3, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã quyết định hoãn phiên xử này sau khi hội ý. Tại tòa, HĐXX đã đưa ra tài liệu chứng cứ mới, tài liệu này là kết quả ủy thác tư pháp giữa VKS với cơ quan tư pháp của Ấn Độ về nguồn gốc thuốc, nhà máy sản xuất lô thuốc được cho là thuốc giả trong vụ án. Các luật sư cho rằng đây là tài liệu rất quan trọng cần cho các luật sư có thời gian sao chụp để nghiên cứu. Thời gian mở lại phiên tòa là ngày 6-4.

Như PLO đã thông tin, có 7/12 bị cáo trong vụ án kháng cáo bản án sơ thẩm. Cựu tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng chấp nhận bản án sơ thẩm nhưng vẫn được dẫn giải đến phiên xử.

Theo đó, dù có vai trò chủ mưu, bị cáo Hùng không kháng cáo, chấp nhận mức án 17 năm tù. Đồng chủ mưu trong vụ án, bị cáo Cường cùng nhiều bị cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt.

Tháng 10-2019, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) 20 năm tù, Nguyễn Minh Hùng 17 năm tù, về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo khoản 4 Điều 157 BLHS.

Cùng tội danh và khung hình phạt này, tòa tuyên các đồng phạm còn lại mức án từ ba năm án treo đến 12 năm tù. 

Theo án sơ thẩm, Nguyễn Minh Hùng bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới sử dụng giấy phép đăng ký lưu hành (visa) có sẵn của bốn loại thuốc do Công ty Health 2000 Canada sản xuất, được Cục Quản lý dược cấp cho Công ty Coduphar và Công ty Vimedimex, móc nối với Võ Mạnh Cường mua bốn loại thuốc kháng sinh là Kafotax - 1000, Kaderox - 250, H2K Levfloxacin và H2K Coprofloxacin. 

Hành vi của cựu chủ tịch VN Pharma và đồng phạm được cơ quan điều tra đánh giá là gây hậu quả nghiêm trọng hơn, bởi bốn loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ VN Pharma nhập lậu về đã tiêu thụ hết.
Trước đó, tháng 9-2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan liên quan. Vụ án này hiện cơ quan chức năng chưa công bố kết quả điều tra. Hiện giai đoạn 2 vụ án cũng đang được khởi tố và điều tra...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm