Luật sư của Hồ Duy Hải chia sẻ trước phiên tòa đặc biệt

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, dự kiến từ ngày 6 đến 8-5, TAND Tối cao sẽ mở phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án về hai tội giết người và cướp tài sản. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên xử và có sự tham dự của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, cơ quan tố tụng tỉnh Long An. Đặc biệt, tòa mời luật sư (LS) Trần Hồng Phong, Đoàn LS TP.HCM, tham gia bào chữa cho Hải tại phiên xử giám đốc thẩm.

Chúng tôi trao đổi với LS Trần Hồng Phong - người nhiều năm và kiên trì đeo bám vụ án - trước phiên  xử khá đặc biệt này.

Bất ngờ khi trực tiếp gặp nhân chứng

. Phóng viên: Thưa LS, cốt lõi của vụ án này về đánh giá chứng cứ thế nào khiến ông có niềm tin về khả năng Hồ Duy Hải không phải là hung thủ?

+ LS Trần Hồng Phong: Để đi đến quyết định nhận làm đơn giám đốc thẩm cho Hồ Duy Hải, tôi cùng các cộng sự đã nghiên cứu sâu tài liệu suốt nhiều tháng. Chúng tôi thống nhất rằng nếu hung thủ là Hải thì tại sao dấu vân tay không phải của Hải? Điều đó cho thấy có một người khác tại hiện trường gây án (biên bản khám nghiệm hiện trường ghi có nhiều đường vân tay được CQĐT thu giữ).

Việc đầu tiên là tôi tìm gặp nhân chứng Đinh Vũ Thường, theo cáo trạng anh là nhân chứng duy nhất trong vụ án “nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện Cầu Voi lúc 19 giờ 39 phút tối 13-1-2008”, sát giờ gây án.

Thật bất ngờ, anh Thường nói với tôi rằng cáo trạng ghi như vậy là không đúng sự thật. Anh Thường không quen biết Hải và cũng chỉ nhìn loáng thoáng vào ban đêm nên không thể nhận dạng đó là ai chứ đừng nói chính xác là Hải. Mặt khác biển số chiếc xe máy dựng ngoài sân bưu điện anh Thường cũng không nhớ.

Đặc biệt, anh Thường nói mình không hề được CQĐT mời nhận dạng, cũng như không được triệu tập tham gia cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Những vấn đề này tôi đã nhờ anh Thường ghi lại trong giấy xác nhận và tôi đã gửi cho TAND Tối cao.

Cáo trạng quy kết Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất giết người dựa trên ba điểm chính là: Dùng con dao tại bưu điện; có nhân chứng Đinh Vũ Thường nhìn thấy và Hải nhận tội. Tuy nhiên, thực tế thể hiện hung khí đi mua ở chợ để minh họa, dấu vân tay thì của người khác, nhân chứng thì không khẳng định đó là Hải và bản thân Hải thì kêu oan. Như vậy là không đủ căn cứ để kết tội Hải, đó là những lý do khiến tôi kiên định cùng gia đình Hải đề nghị xem xét lại vụ án.

. Theo ông, việc không đưa nhân chứng Đinh Vũ Thường và người yêu của một trong hai nạn nhân vào vụ án ảnh hưởng như thế nào tới việc kết tội Hồ Duy Hải?

+ Hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm không triệu tập anh Thường là nhân chứng duy nhất tham gia phiên tòa là vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng. Thiếu sót này ảnh hưởng đến tính khách quan và kết quả xét xử của tòa. Vì HĐXX và LS không thể thẩm vấn làm rõ hàng loạt điểm mâu thuẫn, vô lý giữa cáo trạng và các biên bản lời khai.

Về người yêu của hai nạn nhân thì tòa có mời nhưng mời không đủ và xác định là người liên quan chứ không phải nhân chứng. Hồ sơ thể hiện nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng có hai bạn trai là NVN và NMS. Nhưng CQĐT rút hầu như toàn bộ thông tin về anh N. (chỉ còn một chữ N. trong một bản khai nhân chứng), coi như không có tên trong hồ sơ vụ án. Còn anh S. thì chỉ mời nhận dạng về vài món đồ vật, nữ trang... chứ không thấy thể hiện những nội dung về thời gian, hoạt động của những người này trong đêm xảy ra vụ án mạng. Theo tôi, điều này là rất bất thường.

Luật sư Trần Hồng Phong (phải) và gia đình tử tù Hồ Duy Hải. Ảnh:VLS

Quan điểm của VKS trong kháng nghị trùngvới quan điểm của luật sư

. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, ông có nghi ngờ về khả năng có một nghi can nào khác?

+ Khả năng có một nghi can khác thể hiện qua khá nhiều tình tiết, trong đó quan trọng nhất là dấu vân tay thu được tại hiện trường không phải là của Hải. Như vậy tức là có một người khác đã cầm dao, tay dính máu và để lại dấu vân tay tại hiện trường. Người đó là ai và dấu vân tay đó của ai, đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và xác minh, tôi thấy rằng bạn trai của nạn nhân là NVN có nhiều tình tiết thể hiện đã có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra án mạng. Thế nhưng toàn bộ thông tin về người này lại bị rút khỏi hồ sơ vụ án.

Vì vậy, tôi đã giúp gia đình Hải làm đơn tố giác, theo hướng đề nghị CQĐT làm rõ sự có mặt và liên quan của N. trong đêm xảy ra vụ án. Ngoài ra, cần kiểm tra xem dấu vân tay của người này có trùng khớp với dấu vân tay thu giữ tại hiện trường hay không. Việc này theo tôi là cần thiết để góp phần làm rõ sự thật khách quan.

"Tôi nghĩ tòa sẽ hủy cả hai bản án..."

Ông kỳ vọng vào khả năng nào về phiên giám đốc thẩm này?

+ Tôi không muốn dùng từ kỳ vọng, mà tôi mong và tin rằng hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ chấp nhận yêu cầu kháng nghị, hủy cả hai bản án đã kết tội Hồ Duy Hải, trả hồ sơ để điều tra lại. 

. Theo ông, quá trình tố tụng vụ này có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp không?

+ Qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy vụ án này có nhiều dấu hiệu thể hiện điều tra viên và kiểm sát viên cố ý chỉnh sửa lời khai, rút bớt tài liệu, kết luận giám định, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án... Chẳng hạn, việc không đưa kết luận giám định dấu vân tay vào cáo trạng, khi ra tòa kiểm sát viên nói rằng: Không giám định được dấu vân tay. Hoặc việc chỉnh sửa kích thước con dao, ghi thêm vào biên bản lời khai của nhân chứng Thường...

Vì vậy, từ năm 2017, chính tôi đã làm đơn tố cáo hành vi này gửi đến các cơ quan chức năng. Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án chính là hành vi xâm hại đến hoạt động tư pháp nói chung.

. Ông nghĩ gì về việc mình được mời tham gia phiên giám đốc thẩm đặc biệt này?

+ Tôi thấy vui vì mình có cơ hội trình bày nội dung bào chữa cho Hải, bổ sung thông tin hoặc thậm chí là đưa ra ý kiến tranh luận khi được hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu. Tôi tự nhận thấy mình có trách nhiệm hoàn thành sứ mệnh của một LS, góp phần bảo vệ pháp luật. Tôi hiểu được mời tham gia phiên tòa giám đốc thẩm là một điều đặc biệt và nghĩ rằng đây là một bằng chứng thể hiện sự tiến bộ, dân chủ trong pháp luật hình sự.

Điều cuối cùng mà tôi muốn nói là phiên giám đốc thẩm được mở theo kháng nghị của VKSND Tối cao. Hầu như toàn bộ quan điểm của VKS nêu trong kháng nghị đều trùng khớp với những điều tôi trình bày ở trên, tức là có sự “đồng thuận” trong quan điểm giữa VKS và LS. Điều này là khá đặc biệt.

. Xin cám ơn LS.

Từng không kháng nghị giám đốc thẩm

Sáng 14-1-2008, công an phát hiện hai nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân là nhân viên Bưu cục Cầu Voi (Long An) bị giết tại nơi làm việc. Sau đó Hồ Duy Hải bị bắt, năm 2008 và 2009 Hải đã bị hai cấp tòa sơ thẩm TAND tỉnh Long An và phúc thẩm là Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) tuyên án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản.

Sau đó, được sự hỗ trợ của LS Phong, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con và trước khi thi hành án 20 giờ đồng hồ, Chủ tịch nước đã chỉ đạo tạm hoãn thi hành án và yêu cầu nhiều cơ quan vào cuộc xác minh.

Tháng 11-2019, VKSND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (thay thế quyết định không kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao năm 2011), đề nghị TAND Tối cao hủy hai bản án để điều tra lại. Theo quyết định kháng nghị, hai bản án tuyên tử hình Hải là chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; vụ án có nhiều nội dung cần chứng minh nhưng chưa được làm rõ.

Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm nghiêm trọng... Đồng thời, kháng nghị cũng chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn trong lời khai, chứng cứ, dấu vết tại hiện trường chưa được làm rõ, thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng... 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...