Luật sư có duyên với... án oan

Ngày 30-7-2011, cậu học sinh lớp 9 Phạm Chí Nguyễn cùng anh đến làm thuê cho một gia đình ở cùng xã Nguyễn Phích (U Minh, Cà Mau). Giờ nghỉ trưa, Nguyễn cùng con gái 11 tuổi của nhà chủ đánh bài chơi, giao hẹn ai thua sẽ phải quỳ gối. Thua bài, cô bé không chịu quỳ mà bỏ chạy nên Nguyễn đuổi theo bắt lại. Khi cô bé ngã, Nguyễn nắm trúng chân nên quần cô bé bị tụt xuống một đoạn.

1. Chuyện chỉ có thế, cha cô bé về đúng lúc này thấy cảnh ấy vẫn bình thường, vui vẻ. Thế nhưng mẹ cô bé về nhà lại cho rằng Nguyễn hãm hại con gái mình nên tố cáo ra công an. Thế là Nguyễn bị bắt, bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em.

Chú ruột Nguyễn ở gần nhà tôi đã tìm đến nhờ tôi hỗ trợ pháp lý cho Nguyễn. Ngày 25-10-2011, khi tôi tham gia dự cung tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau, Nguyễn đã khóc nức nở: “Con không có tội, con bị đánh, đấm và ép phải khai như vậy”. Lúc đó cháu nhìn tôi bằng ánh mắt khẩn thiết, vai run lên trên thân thể tiều tụy. Tôi hiểu cháu đang tuyệt vọng và mình khi ấy là chỗ dựa, chỗ bấu víu duy nhất mà cháu có thể cậy nhờ. Từ đó tôi tự giao cho mình nhiệm vụ phải cố làm sáng tỏ vụ án này.

Ngay sau đó tôi đã gửi văn bản kiến nghị đến giám đốc công an tỉnh, viện trưởng VKS tỉnh, chủ tịch HĐND tỉnh để phản ánh sự việc Nguyễn bị bức cung, nhục hình. Tuy nhiên kiến nghị của tôi rơi vào hư vô, cáo trạng truy tố Nguyễn vẫn được ban hành.

Nguyễn đối mặt với mức án thấp nhất lên đến 12 năm tù. Tại phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau, tôi đã chỉ ra những vi phạm tố tụng nghiêm trọng như việc hỏi cung không có đại diện cha mẹ Nguyễn tham gia; biên bản ghi nhận sự việc ban đầu lại do ấp lập, sau đó được hợp thức hóa bằng chữ ký của công an xã... Tôi cũng chứng minh thương tích của Nguyễn là do bị nhục hình. Đó là khi Nguyễn bị giam, gia đình đến công an huyện xin gặp cháu thì không được vào mà phải ngồi ở quán nước đối diện. Sau đó, cán bộ công an nói gia đình ký vào biên bản để khép hồ sơ và bồi thường cho người bị hại (hồ sơ lại thể hiện Nguyễn nhận tội). Thấy đầu Nguyễn có thương tích, gia đình đưa cháu vào bệnh viện thì được chẩn đoán chấn thương đầu, phải chụp CT…

Sau một năm bị giam oan, em Phạm Chí Nguyễn lại được tung tăng cắp sách đến trường. (Ảnh chụp ngày 29-4-2015). Cô Nguyễn Kim Thiệt được giải oan sau đúng hai năm bị giam giữ (bên cạnh là LS Trần Văn Sỹ). Ảnh chụp ngày 30-4-2015, ảnh do LS Trần Văn Sỹ cung cấp.

Dù vậy, đại diện VKS vẫn đề nghị phạt Nguyễn 6-7 năm tù. May thay, HĐXX đã lắng nghe lời kêu oan khẩn thiết của Nguyễn và những chứng lý bào chữa của tôi. Thận trọng, tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung hai lần. Tháng 8-2012, quan điểm của tôi đã được tòa chấp nhận. Tòa tuyên Nguyễn vô tội và trả tự do cho cháu ngay tại phiên xử.

Không chấp nhận bản án, VKS tỉnh Cà Mau kháng nghị nhưng Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng nghị, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Sau đó, VKS tỉnh đã xin lỗi và bồi thường oan cho Nguyễn.

Hết hè này, Nguyễn sẽ vào lớp 12. Chàng thanh niên 18 tuổi bị chậm một năm học vì rơi vào vòng tố tụng oan ức này đang khao khát trở thành sinh viên luật. Cháu nói: “Con muốn làm luật sư (LS) giống chú để bảo vệ những người bị oan như con”. Tôi cũng chờ đợi cháu học hành và sau này tôi sẽ hỗ trợ cháu vừa làm vừa học nghề trong các chi nhánh văn phòng LS của tôi ở TP.HCM, Trà Vinh, Vĩnh Long…

2. Việc minh oan thành công cho Nguyễn là động lực lớn để tôi tiếp tục hành trình của một LS. Sau khi biết thông tin án oan của Nguyễn, gia đình cô Nguyễn Kim Thiệt đã tìm đến tôi vào khoảng thời gian rất đặc biệt: 12 giờ đêm.

Cô Thiệt là người cùng xã với Nguyễn. Tháng 6-2011, cô sang Malaysia làm trong các nhà hàng ăn uống. Tháng 2-2013, cô về thăm nhà. Tại đây, một số bà con hỏi thăm biết cô có thu nhập 15 triệu đồng/tháng nên nhờ giới thiệu con em qua Malaysia làm việc.

Ba cô gái (trong đó một là cháu chồng của Thiệt) đã đến nhờ cô dẫn dắt để đi Malaysia làm việc. Thiệt hướng dẫn cách làm hộ chiếu, giấy tờ rồi bảo ba cô này lên TP.HCM gặp người Malaysia đã nhờ Thiệt tìm người đưa sang Malaysia lao động.

Ngày 6-3-2013, ba cô gái đến Malaysia. Tối đó, cháu chồng của Thiệt bị ép bán dâm ba lần nên gọi điện thoại về nhà kêu cứu. Sáu ngày sau, cô này về Việt Nam rồi cùng gia đình ra Công an tỉnh Cà Mau tố cáo bị Thiệt bán ra nước ngoài. Thiệt bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi mua bán người.

Từ đầu, khi dự cung, tôi đã phản đối mạnh mẽ việc điều tra viên cố ý ghi sai lệch lời khai của Thiệt. Trong khi Thiệt khai rằng nhận khoản tiền tương đương 2,5 triệu đồng của một người Malaysia để lo chi phí đi lại, ăn uống, khách sạn cho những người qua Malaysia thì điều tra viên lại ghi rằng tiền này Thiệt giữ sử dụng riêng. Tôi yêu cầu Thiệt phải ghi ý kiến về chuyện này vào cuối biên bản. Tôi cũng làm văn bản kiến nghị việc điều tra viên vi phạm nghĩa vụ phải ghi trung thực lời khai của bị can.

Trước phiên xử sơ thẩm hồi tháng 7-2014, tôi đã gửi bản luận cứ dài 16 trang đến từng thành viên HĐXX, lập luận rằng Thiệt không phạm tội bởi nếu tiền thu lợi bất chính chỉ có 1,3 triệu đồng thì chưa đủ căn cứ pháp luật và căn cứ thực tế trong việc mua bán người vì quá thấp. Không có gì chứng minh Thiệt và người Malaysia có thỏa thuận nào về giá bán người, thực tế Thiệt không hề có thỏa thuận nào về việc này. Trong ba nạn nhân, chỉ có cháu chồng Thiệt tố cáo (vợ chồng Thiệt đã ly thân). Hai người còn lại cho biết họ sang Malaysia làm thuê bình thường…

Tuy nhiên, những chứng lý tôi đưa ra đã không được chấp thuận. Dù Thiệt một mực kêu oan và viết hàng chục đơn kêu cứu, TAND tỉnh Cà Mau vẫn phạt cô sáu năm tù.

Một điều may mắn là trong phiên tòa phúc thẩm ngày 29-10-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xét xử công minh, chấp nhận quan điểm của tôi. Tòa hủy án với nhận định khoản thu lợi 1,3 triệu đồng không phù hợp với thực tế của việc mua bán người.

Kết quả điều tra lại đã chứng minh Thiệt chi phí cho việc giới thiệu ba người đi lao động nói trên đến 2,9 triệu đồng, tức thâm vào tiền cá nhân 400.000 đồng. Ngày 19-3-2015, vụ án “bán người bị lỗ” này đã được đình chỉ điều tra. Thiệt được giải oan sau hai năm bị tạm giam, bỏ ba đứa con thơ (lớn nhất mới 10 tuổi) nheo nhóc ở bên ngoài.

3. Thiệt và gia đình vui niềm vui tự do, đoàn tụ. Còn tôi một lần nữa lại thấy rằng công lý luôn hiện hữu và sẽ đến với những ai kiên trì đi tìm.

Bị cáo Phan Hồng Ân bị Công an và VKS TP Vị Thanh (Hậu Giang) cáo buộc phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Tôi luôn trình bày quan điểm rằng không có chứng cứ thuyết phục để quy kết Ân phạm tội này. Trong vụ án, Ân chỉ sử dụng ma túy. Cơ quan tố tụng đã chủ quan và định kiến trước việc Ân từng có tiền án về ma túy mà bỏ qua việc hành vi của Ân không hội đủ bốn yếu tố cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy.

Sau bốn lần tòa mở phiên xử rồi hoãn, cuối năm 2014 vụ án đã được đình chỉ và Ân đã được trả tự do sau hơn một năm ngồi tù.

Những vụ án minh oan thành công cho người vô tội như vậy đã khiến tôi càng thấy mình đúng khi chọn một công việc có thể góp phần bảo vệ công bằng xã hội. 15 năm qua, tôi vẫn yêu nghề như lúc ban đầu, vững vàng hơn niềm tin rằng sự thật, lẽ phải và công lý luôn được tôn trọng. Tôi luôn tự hào rằng mình đã góp phần bảo vệ chính nghĩa.

Trăn trở những nỗi niềm

15 năm tôi hành nghề LS, bên cạnh niềm vui cũng lắm nỗi niềm bởi thực tế LS vẫn bị lép vế khi tham gia tố tụng, ý kiến LS đưa ra thường bị cơ quan tố tụng bỏ qua, xem nhẹ hoặc không được tranh luận đến cùng.

Chiến lược cải cách tư pháp đã khẳng định nhiệm vụ phát triển nghề LS, nâng cao vị thế của LS, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ cho phán quyết của tòa. Nhưng nhiều cơ quan, cán bộ tố tụng vẫn chưa có nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc chủ trương rất tiến bộ này.

Rào cản lớn nhất là từ CQĐT. Nhiều điều tra viên có tâm lý sợ LS mớm cung, xúi giục bị can, gây khó cho hoạt động điều tra nên cứ cản trở, hạn chế quyền của LS để điều tra xong thì mới cho LS tham gia. Nhiều trường hợp LS đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa vẫn không được gặp thân chủ đang bị tạm giam. Có trường hợp giải quyết cho gặp bị can thì cán bộ canh chừng rất khó chịu. Có trường hợp ban đầu CQĐT chấp thuận cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho LS nhưng sau lại gửi văn bản từ chối với lý do “bị can biết hành vi phạm tội của mình đã rõ, đã khai báo thành khẩn để hưởng khoan hồng nên từ chối mời LS”.

Gần đây nhất, gia đình một bị can (bị tạm giam) trong một vụ đánh bạc ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) mời tôi trợ giúp pháp lý. Tôi đến CQĐT làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì bị từ chối, nói rằng bị can không yêu cầu. Tôi đề nghị cho mẹ của bị can vào gặp bị can để lấy chữ ký vào giấy yêu cầu LS cũng không được CQĐT chấp thuận…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm