Luật sư bào chữa: Không được buộc tội bị cáo khác

Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Long An xét xử Tô Văn Rồi, Nguyễn Khắc Qui và đồng phạm về các tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc mới đây (Pháp Luật TP.HCMngày 15-4 đã thông tin) phát sinh tình huống khá lạ: Trong phần xét hỏi, luật sư (LS) VĐT (Đoàn Luật sư TP.HCM, bào chữa cho Qui) yêu cầu tất cả bị cáo khác trong vụ án cùng đứng lên chỉ rõ rằng Rồi là kẻ chủ mưu, tổ chức trường gà. Sau đó 12 bị cáo đã đứng lên, chỉ có Rồi và một bị cáo khác vẫn ngồi tại chỗ.

Luật không cấm, luật sư được làm?

Ngay lập tức, chủ tọa phiên tòa đã nhắc nhở LS không được làm vậy mà phải hỏi ý kiến từng bị cáo. LS T. tiếp thu và gọi từng bị cáo đứng lên hỏi về ý trên.

Sau đó, đại diện VKS phát biểu ý kiến cũng nhắc nhở tiếp LS T. là chỉ được làm những gì luật cho phép chứ không được “vượt luật”. LS T. không nói gì. Còn LS của bị cáo Rồi nhận xét: “Trong 25 năm làm LS, tôi chưa từng thấy trường hợp nào LS bào chữa của bị cáo này lại huy động các bị cáo đứng lên để kết tội một bị cáo khác chủ mưu, cầm đầu nhằm gây áp lực với HĐXX như vậy cả”.

Trao đổi với PV, LS T. lý giải việc này luật không cấm nên luật sư được làm. Hơn nữa, mục đích ông mời tất cả bị cáo đứng lên hỏi đồng loạt như vậy là theo hướng tích cực, đỡ mất thời gian cho phiên tòa vì đông bị cáo. Nếu câu hỏi này hỏi một lần cho nhiều người thì nhanh hơn là hỏi từng người chứ không có chuyện gây áp lực với HĐXX. “Chính vì luật không cấm nên tùy vào sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, nếu chủ tọa cho phép thì qua, nếu không cho thì tôi làm lại, hỏi từng người như ở phiên xử hôm đó.Vậy cũng đâu có gì sai” - LS T. nói.

Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm của TANDtỉnh Long An (bị cáo Tô Văn Rồi mặc áo trắng hàng đầu từ phải qua).Ảnh: N.QUỲNH

Không làm thay chức năng buộc tội

Tuy nhiên, hầu hết LS có uy tín trong nghề đều cho rằng cách bào chữa như LS T. đã làm là không phù hợp.

Theo LS Trần Đức Nhân (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Ngãi), khi hoạt động nghề nghiệp, ngoài việc chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật có liên quan, LS còn phải tuân theo Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp (ban hành kèm Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20-7-2011 của Hội đồng Luật sư toàn quốc). Trong một số trường hợp, hoạt động nghề nghiệp của LS còn phải chú ý đến tập tục, tập quán địa phương, tâm lý, đạo đức xã hội… Đặc biệt, cho dù trong trường hợp nào thì LS cũng phải luôn ý thức rằng mình không được làm thay chức năng buộc tội của VKS.

Ở trường hợp cụ thể nói trên, LS T. có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu để chứng minh thân chủ của mình không phải là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Thật ra chỉ cần thực hiện việc đó là đã đưa bị cáo khác (chủ mưu thật sự) vào tình trạng bất lợi rồi. Ví dụ vụ án chỉ có hai bị cáo, LS chỉ cần chứng minh bị cáo của mình không phải là chủ mưu thì đã đẩy bị cáo còn lại vào vai trò chủ mưu rồi. Như vậy, việc xác định ai là chủ mưu, cầm đầu sẽ do đại diện VKS xem xét đề nghị và HĐXX quyết định.

Đồng tình, LS Châu Quý Quốc (Đoàn LS TP.HCM) nhận xét: Việc LS T. yêu cầu các bị cáo khác đứng lên tố bị cáo Rồi là chủ mưu trong vụ án là đi ngược lại chức năng bào chữa của LS, làm thay chức năng buộc tội của VKS.

“Bào chữa cho thân chủ của mình bằng cách đi buộc tội bị cáo khác là việc LS không nên và không được làm. Nếu trong quá trình xét xử, LS thấy rằng cơ quan tố tụng xác định chưa rõ hoặc xác định sai tư cách của các bị cáo thì có thể đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung. Trong quá trình điều tra lại, LS có thể cung cấp chứng cứ để giúp cơ quan tố tụng xác định chính xác tư cách tố tụng của bị cáo” - LS Tạ Quang Tòng (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Đắk Lắk) khẳng định.

Không làm bất lợi cho bị cáo khác

Trên thực tế có một nguyên tắc bất thành vănmà các LS đi trước thường nhắc nhở các LS trẻ trong hoạt động nghề nghiệp của mìnhlà khi bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho một bị cáo thì LS không nên làm bất lợi cho bị cáo khác.

Tinh thần nói trên cũng được thể hiện thông qua các điều khoản trong Bộ Quy tắcđạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam. Cụ thể, Quy tắc 20.1 (về những việc LS không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp) quy định LS không được “thực hiện hành vi gây áp lực, đe dọa hoặc sử dụng các thủ thuật trái pháp luật và quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS để gây bất lợi đối với đồng nghiệp, giành lợi thế cho mình trong hành nghề”. Quy tắc23.3 (về ứng xử của LS trong quan hệ với cơ quan tố tụng) quy định:“Tại phiên tòa, LS chấp hành nội quy phiên tòa, tôn trọng HĐXX, đại diện VKS; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa khi thực hiện quyền xét hỏi người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác; không suy đoán chủ quan mang tính chất kích động, quy chụp,kết tội người kháchoặc có những lời lẽ gây bất lợi cho khách hàng của mình; không cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho việc xét xử bằng những phương cách bất hợp lý hay trái đạo đức”.

____________________________________

Ở đây, chủ tọa đã có ý kiến chấn chỉnh việc LS của bị cáo Quy yêu cầu các bị cáo khác đứng lên chỉ rõ bị cáo Rồi là chủ mưu thì có thể xác định cách làm đã nêu của LS là vi phạm.

LS PHAN TRUNG HOÀI, Chủ nhiệm Ủy ban
Bảo vệ quyền lợi LS, Liên đoàn LS Việt Nam

Không ai được “vượt luật”

Lập luận “luật không cấm thì tôi được làm” của LS T. là hoàn toàn sai bởi trong tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng, tất cả chủ thể tiến hành tố tụng cũng như tham gia tố tụng chỉ được phép làm những gì mà luật cho phép làm, không được “vượt luật” hay “xé rào”. Nếu không thì sẽ dẫn đến sự lộn xộn, tùy tiện, gây ảnh hưởng đến việc giải quyết án và xác định sự thật khách quan của vụ án.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm
TAND Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm