Luật quy định rất rõ, tòa vẫn xử sai

Mới đây, VKSND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã ra quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án của TAND huyện Nhơn Trạch về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo viện, việc tòa án cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do một mình người chồng thực hiện trong thời kỳ hôn nhân mà không có sự đồng ý của người vợ là không đúng pháp luật. Từ đó, viện đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án trên theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người vợ.

Bên nói vay, bên nói bán

Theo đơn khởi kiện, bà Ngô Kim Anh và ông Trần Anh Tuấn kết hôn năm 1986. Năm 2008, bà Anh có đưa cho ông Tuấn 700 triệu đồng để mua thửa đất gần 5.000 m2 tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ông Tuấn đứng tên trên giấy đỏ. Ngày 8-8-2012, bà Anh và ông Tuấn ly hôn. Tài sản chung của hai vợ chồng gồm căn nhà ở phường 9, quận 3, TP.HCM và thửa đất trên. Theo thỏa thuận, bà Anh sẽ nhận thửa đất tại huyện Nhơn Trạch. Tuy nhiên, tháng 6-2013, bà Anh liên hệ chính quyền địa phương thì được biết ngày 18-1-2012 ông Tuấn đã chuyển nhượng diện tích đất trên cho ông C. mà bà không hề hay biết. Hiện ông C. đã được sang tên giấy đỏ. Do vậy, bà Anh đề nghị TAND huyện Nhơn Trạch hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Tuấn và ông C., hủy giấy đỏ đã cấp cho ông C.

Ngược lại, bị đơn - ông C. cho rằng ông nhận chuyển nhượng diện tích đất trên với giá 500 triệu đồng. Khi chuyển nhượng, ông Tuấn không nói mảnh đất đó là tài sản chung của vợ chồng, trên giấy chứng nhận chỉ có mình ông Tuấn đứng tên. Khi làm các thủ tục, chính quyền địa phương cũng không yêu cầu phải có bà Anh đứng ra ký hợp đồng. Việc chuyển nhượng rõ ràng, được cơ quan nhà nước chứng thực, bà Anh cũng không có ý kiến gì nên ông C. mới có thể sang tên trên giấy đỏ. Do vậy, ông đề nghị tòa bác yêu cầu của nguyên đơn.

Bà Kim Anh và ông Tuấn đang trình bày sự việc. Ảnh: HỒNG TÚ

Về phần mình, ông Tuấn trình bày đúng là có ký hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất trên với ông C. trước khi hai vợ chồng ly hôn bảy tháng nhưng thực chất đó là hợp đồng giả cách cho việc ông Tuấn vay của ông C. 300 triệu đồng. Nay ông đồng ý với yêu cầu của bà Anh.

Tháng 9-2015, UBND huyện Nhơn Trạch có văn bản gửi tòa khẳng định việc cấp giấy chứng nhận cho ông C. là đúng quy định của pháp luật.

Công nhận hợp đồng thay vì tuyên vô hiệu

Xử sơ thẩm, TAND huyện Nhơn Trạch cho rằng về hình thức, hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Tuấn và ông C. đã được UBND xã chứng thực là đúng quy định pháp luật.

Về nội dung, ông Tuấn ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông C. là tự nguyện, không trái đạo đức xã hội, không bị pháp luật ngăn cấm, không có tranh chấp và ông C. được cấp giấy chứng nhận là đúng quy định. Mặc dù bà Kim Anh và ông Tuấn thừa nhận đó là tài sản chung nhưng khi làm thủ tục sang tên chuyển quyền chỉ có mình ông Tuấn đứng tên trên giấy chứng nhận nên ông Tuấn có toàn quyền quyết định đối với diện tích đất trên. Việc ông Tuấn ký thủ tục sang tên chuyển quyền cho ông C. là hoàn toàn hợp pháp. Do vậy, các yêu cầu của bà Kim Anh không có cơ sở để chấp nhận. Từ đó, HĐXX đã bác yêu cầu của nguyên đơn.

Sau khi án tuyên, VKSND huyện Nhơn Trạch đã kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm. Theo viện, diện tích đất trên được cả bà Kim Anh và ông Tuấn thừa nhận là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Mặc dù hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Tuấn và ông C. được chứng thực nhưng UBND xã không đưa ra được quy định nào của pháp luật. Việc UBND xã ký chứng thực cho hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Tuấn và ông C. là vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình. Ông Tuấn ký hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất trên mà không có sự đồng ý của bà Kim Anh nên hợp đồng chuyển nhượng bị vô hiệu theo Điều 139 BLDS. Do vậy, viện kiến nghị cấp phúc thẩm sửa án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Kim Anh.

Được biết bà Kim Anh cũng đã kháng cáo bản án trên.

Ghi tên một người nhưng vẫn là tài sản chung

Theo nội dung báo phản ánh, quy phạm pháp luật được áp dụng trong vụ việc này là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2010 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Theo quy định, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân (từ lúc đăng ký kết hôn đến khi có quyết định ly hôn) là tài sản chung của vợ chồng, trừ tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất hình thành trong thời kỳ hôn nhân nhưng giấy chứng nhận chỉ có ghi tên vợ hoặc chồng, Nghị quyết 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xác định: Nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung, nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người đứng tên trên giấy chứng nhận có nghĩa vụ phải chứng minh đây là tài sản riêng.

Đồng thời, Điều 4 Nghị định số 70/2001 cũng quy định các giao dịch dân sự đối với tài sản chung có giá trị lớn thì phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Trong trường hợp vợ hoặc chồng thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn mà không có sự đồng ý của một bên thì bên đó có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu theo quy định tại Điều 139 BLDS, hậu quả pháp lý được giải quyết theo Điều 146 bộ luật này.

Luật sư CAO QUANG THUẦN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm