Luật chưa rõ, khó tính thời hiệu khởi kiện

Tại hội nghị triển khai công tác sáu tháng cuối năm của ngành tòa án vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng, đại diện TAND Tối cao cho biết tỉ lệ giải quyết án hành chính rất thấp (thấp nhất trong các loại án).

Ai là người bị kiện?

Theo Thẩm phán Trương Trọng Tiến (Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam), khi giải quyết án hành chính, có rất nhiều tình huống mà các cấp tòa không biết nên xử như thế nào cho đúng nhằm đảm bảo quyền lợi các bên và không kéo dài vụ án.

Thẩm phán Tiến đưa ra một tình huống để dẫn chứng: UBND huyện ban hành quyết định hành chính số 01 đối với anh C. Anh C. không đồng ý nên khiếu nại đến chủ tịch huyện. Chủ tịch huyện ra quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung giữ nguyên quyết định số 01. Không đồng ý, anh C. tiếp tục khiếu nại đến chủ tịch tỉnh và nhận được quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung là không chấp nhận khiếu nại. Lúc này anh C. khởi kiện yêu cầu tòa hủy quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch tỉnh.

Như vậy, khi giải quyết án, tòa chỉ xem xét về quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch tỉnh theo đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hay phải xem xét cả quyết định hành chính số 01 và quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch huyện? Tòa có xác định tư cách tham gia tố tụng của các tổ chức, cá nhân ra quyết định hành chính số 01 kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch huyện hay không?

Cũng đang gặp vướng mắc với nhiều vụ tương tự, đại điện TAND tỉnh Bắc Ninh thắc mắc thêm: Trong vụ kiện như trên, tòa phải xác định người bị kiện là ai? Là riêng chủ tịch tỉnh hay cả chủ tịch tỉnh lẫn chủ tịch huyện? Từ đó vị này cho rằng cần phải có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này để các tòa áp dụng thống nhất.

Một vụ kiện quyết định hành chính được TAND tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử. Ảnh minh họa: TT

Khi nào người dân “biết được” quyết định hành chính?

Bên cạnh đó, một thẩm phán TAND tỉnh Nghệ An cho biết: Trong quá trình giải quyết án hành chính, việc xác định thời hiệu khởi kiện cũng đang gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, theo điểm a khoản 2 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính 2010, thời hiệu khởi kiện là “một năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính”… Trong thực tiễn, vấn đề thời điểm đương sự “biết được” quyết định hành chính đang có nhiều cách hiểu khác nhau và chưa có hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho các tòa khi xác định thời hiệu khởi kiện.

Thẩm phán này ví dụ: Thời điểm người khởi kiện biết sự việc UBND đã cấp giấy đỏ thì có coi là thời điểm họ “biết được quyết định hành chính” để tính thời hiệu khởi kiện? Mặt khác, thời điểm đương sự “biết được quyết định hành chính” là thời điểm họ biết có quyết định hành chính đó hay thời điểm họ biết cụ thể nội dung trong quyết định? Bởi lẽ phải biết nội dung cụ thể của quyết định hành chính thì người khởi kiện mới có thể làm được đơn khởi kiện theo đúng quy định tại Điều 105 Luật Tố tụng hành chính 2010.

Một thẩm phán khác nêu tình huống: Cơ quan nhà nước ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung giữ nguyên quyết định hành chính ban đầu mà quyết định hành chính ban đầu này đã hết thời hiệu khởi kiện (quá một năm kể từ khi nhận được hay biết được quyết định hành chính). Sau đó, người dân khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại, vậy tòa có thụ lý, giải quyết hay không? “Trường hợp này chưa được TAND Tối cao hướng dẫn nên dẫn tới cách hiểu và vận dụng luật khác nhau” - vị thẩm phán này nói.

Nhiều tình huống chưa rõ

Tại hội nghị, nhiều đại diện tòa án địa phương thắc mắc: Trong việc thu hồi đất, UBND huyện đã ký phê duyệt phương án bồi thường kèm theo danh sách người được bồi thường. Do có tranh chấp về đối tượng được nhận tiền bồi thường nên có đương sự khởi kiện vụ án hành chính. Vậy đối tượng khởi kiện vụ án hành chính nêu trên là quyết định phê duyệt phương án bồi thường của UBND huyện hay là hành vi thanh toán tiền bồi thường của ban chi trả giải phóng mặt bằng huyện?

Một tình huống chưa rõ khác cũng được các đại diện tòa nêu ra: Tòa bác đơn khởi kiện của nguyên đơn về việc đòi lại quyền sử dụng đất, trong bản án không đánh giá tính hợp pháp của quyết định cấp giấy đỏ của UBND huyện. Sau đó, nguyên đơn trong vụ án dân sự trên khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu tòa xác định tính hợp pháp của quyết định cấp giấy đỏ cho phần đất tranh chấp. Trường hợp này có thể coi sự việc đã được giải quyết bằng bản án của tòa án và người khởi kiện không có quyền khởi kiện vụ án hành chính hay không?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm