Lừa tiền tỉ vẫn tháo chạy an toàn!

Tương ứng, nhắc đến công chứng viên (CCV) thì nhiều người nghĩ liền đến việc rành rẽ pháp luật, sự kỹ lưỡng đến từng chi tiết và tinh thần trách nhiệm cao để đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch. Thế mà tin nổi hay không khi có nhiều khổ chủ “sống dở chết dở” hay bị “cháy túi” do được/bị công chứng nhầm những giấy tờ nhà, đất giả mạo.

Tình trạng giấy tờ giả lọt cửa công chứng rộ lên khoảng 8-9 năm nay không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn trở thành nỗi ám ảnh của các CCV. Theo thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) - Công an TP.HCM, trong năm 2014 phòng này phát hiện 56 vụ có dấu hiệu giả mạo giấy tờ nhưng trong chín tháng đầu năm 2015 đã có đến 58 vụ.

Lừa tiền tỉ vẫn tháo chạy an toàn! ảnh 1 

Văn phòng công chứng Gia Định đã trang bị thiết bị nhận diện giấy tờ giả để hạn chế thấp nhất tình trạng làm giả giấy tờ. Ảnh: CẨM TÚ

Ở nhiều trường hợp, trong vai người hỏi mua, thuê, nhận thế chấp nhà, đất để được chủ sở hữu nhà cung cấp giấy chủ quyền, CMND, sổ hộ khẩu…, kẻ gian đã tổ chức làm giả hết thảy các giấy đó, đồng thời đóng giả chủ nhà để thực hiện nhiều hành vi nhằm lừa dối, chiếm đoạt tài sản của người khác.

Việc làm giả giấy, giả người như thế rõ mười mươi là vi phạm pháp luật, thậm chí trong nhiều trường hợp đã có dấu hiệu của hai tội là làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267 BLHS) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Thủ đoạn, kỹ thuật làm giả ngày càng ranh ma, tinh vi khiến nhiều CCV thạo nghề cũng có thể bị “qua mặt”, gây họa lớn cho nhiều người liên quan.

Từ tháng 5-2010, trước nạn giấy tờ giả qua công chứng ngày càng nhiều, Công an TP đã có công văn chỉ đạo công an phường, xã tích cực phối hợp với các cơ quan công chứng để xử lý. Kế tiếp, tháng 4-2012, UBND TP cũng có công văn chỉ đạo tương tự để xử lý nghiêm các hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ giả, mạo danh người khác trên các giấy tờ.

Tuy vậy, do quy trình phối hợp chưa tốt (được CCV báo tin nhưng công an đến trễ hay không đến; có rất ít vụ việc được công an xử lý thích đáng…) nên lúc thì các đối tượng bỏ chạy, lúc thì việc xử lý chỉ như hớt phần ngọn (với mức phạt được nâng lên từ cuối năm 2013 là 3-7 triệu đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả để được công chứng hợp đồng, giao dịch; 7-10 triệu đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ hoặc giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp đồng, giao dịch). Trong nhiều trường hợp, những người trực tiếp thực hiện hành vi gian dối không bị xử lý hình sự, nói chi đến việc công an truy tận gốc các tổ chức, cá nhân chuyên làm giấy tờ giả để trừng trị nghiêm minh.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, nhiều công an quận/huyện từng cho biết “khó xử lý vì rất khó thu thập tài liệu, chứng cứ”. Hoặc khi điều tra viên đã cất công làm rõ sai phạm thì VKS lại từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án. Bởi lẽ viện cho rằng “không xác định được đối tượng đã sử dụng phương tiện, dụng cụ nào để làm con dấu giả hay in tài liệu giả”, hay “chưa đủ yếu tố để khởi tố tội lừa đảo vì hai bên có hợp đồng giao dịch nên thuộc phần trách nhiệm dân sự̣”. Số liệu mới nhất của PC45 cũng cho thấy trong tổng số 115 vụ giả mạo, công an chỉ khởi tố 53 vụ với 51 bị can…

Ừ thì các cơ quan pháp luật có nhiều lý do để không làm hoặc chỉ làm như vậy. Song người dân làm sao có thể dễ dàng chấp nhận tự dưng bị mất của; các CCV làm sao có thể bình thản khi khách hàng bị rủi ro, uy tín của mình ít nhiều bị ảnh hưởng và trên hết là sự an toàn giao dịch dân sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Võ Hữu Nghĩa, Phó trưởng PC45, tới đây Công an TP sẽ có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh để “mối quan hệ giữa các cơ quan được tốt hơn trong mục tiêu đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Dẫu biết còn nhiều thử thách phía trước nhưng lời phát biểu của vị đại diện PC45 làm nhiều người tin rằng nếu thực sự quyết tâm thì tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng sẽ giảm thiểu đáng kể.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm