Lột vỏ cây xanh đường phố, ai xử phạt?

Ngày 8-2, Thiếu tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết đơn vị đã vào cuộc điều tra vụ hàng loạt cây xà cừ trên đường Láng bị lột vỏ. Theo ông Đạt, qua xác minh ban đầu cho thấy việc lột vỏ cây xà cừ nhằm mục đích đun nước chữa bệnh ngứa, ghẻ. Hiện tại công an chưa có cơ sở để xác định hành vi đục đẽo, lột vỏ cây xà cừ này là có mục đích phá hoại.

30 cây xà cừ cổ thụ bị lột vỏ

Như đã thông tin, người dân sống ven đường Láng và những người đi đường bất ngờ trước việc hàng chục cây xà cừ cổ thụ ở dải phân cách trên đường bỗng bị đẽo lột vỏ nham nhở. Những vết đẽo gọt có hình chữ nhật với diện tích khoảng 30 x 40 cm, ăn sâu vào đến lõi gỗ. Đây là hàng cây xà cừ cổ thụ lâu năm nhất tại TP Hà Nội, việc bị lột vỏ khiến người dân lo lắng cây sẽ bị ảnh hưởng…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tá Nguyễn Tiến Đạt cho biết hiện tượng đẽo gọt vỏ cây xà cừ tại đường Láng đã diễn từ trước Tết Nguyên đán 2017 và vài ngày sau Tết. Thống kê của công an phường cho thấy có trên 30 cây xà cừ cổ thụ đã bị lột vỏ. Công an phường sẽ tiếp tục phối hợp với Công an quận Đống Đa điều tra, truy tìm đối tượng lột vỏ cây để tiến hành xử lý. Đồng thời đơn vị sẽ tuyên truyền cho người dân sinh sống dọc đường Láng và toàn phường nắm được hành vi trên là vi phạm pháp luật. Công an phường cũng sẽ bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra để phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi tương tự. Cũng theo ông Đạt, hành vi lột vỏ cây xà cừ là vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa theo Nghị định 121/2013.

Các chuyên gia cho rằng việc công an nhanh chóng xác minh làm rõ các đối tượng lột vỏ cây là kịp thời và cần thiết. Bởi nếu không xử lý dứt điểm và nghiêm khắc thì tình trạng này sẽ còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến sự sống của cây xanh và cảnh quan độ thị.

\Một thân cây xà cừ đã bị đục lấy vỏ.

Cả hàng cây trên đường Láng bị đục những vết giống nhau. Ảnh: T.PHAN

Xử phạt cao nhất 500.000 đồng

Theo ThS Nguyễn Trương Tín (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), việc đẽo lột vỏ sẽ khiến cây bị mất đường vận chuyển chất hữu cơ và nước, ảnh hưởng đến sự sống của cây. Tưởng chừng như trò đùa nhưng đây là một dạng vi phạm hành chính phải được ngăn chặn và phải bị xử lý. Công an phường Láng Hạ xác định việc lột vỏ cây này vi phạm Nghị định 121/2013 là chính xác. Cụ thể, khoản 1 Điều 49 nghị định này quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng nếu đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh…

Việc xử phạt phải được thực hiện công khai, khách quan, kịp thời nên việc truy tìm xác định chính xác những người lột vỏ cây là rất cần thiết. Khi xác định được danh tính và hành vi vi phạm của họ thì mới xử phạt được. Cũng theo quy định, hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục nên người bị xử phạt còn có thể phải bồi thường dân sự. Nếu người gây ra hành vi vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trong khi luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) và luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng thẩm quyền xử phạt thuộc chủ tịch UBND phường nơi có cây bị lột vỏ. Luật sư Hồng cho biết nếu xác định được nhiều người cùng vi phạm thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Việc xử phạt còn căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng. Cần lưu ý là hành vi lột vỏ cây khó xác định được thiệt hại cụ thể nên khả năng khắc phục hậu quả là khó xác định.

Còn LS Quân nhận định đây là sự việc đáng tiếc bởi từ trước Tết Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đã phát hiện hiện tượng này nhưng không xử lý ngay. Đến khi số lượng cây bị xâm hại đã tăng lên nhiều thì mới có biện pháp mạnh tay. Theo Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm về mọi vi phạm. Trong khi nhìn hình ảnh thì những vi phạm trong vụ này chỉ có người lớn mới thực hiện được.

Vỏ xà cừ có chữa được ghẻ?

Theo TS vật lý Nguyễn Văn Khải, tất cả loại cây đều có tinh dầu và công dụng nhất định. Tuy nhiên, thông tin cây xà cừ chữa ghẻ là không chính xác. TS Dương Đức Hùng (BV Bạch Mai Hà Nội) cũng phủ nhận thông tin cho rằng vỏ cây xà cừ chữa được bệnh ghẻ, ngứa. Theo đó, cây xà cừ còn được gọi là cây lim trắng, vỏ cây xà cừ không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí còn độc, lá cây này rơi xuống sông thì tôm, cá còn không sống được. Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Nguyễn Xuân Hướng cũng cho rằng trong sách Đông y không hề nhắc đến loại cây này khi chữa bệnh. Thậm chí dùng vỏ cây làm thuốc còn có thể gây dị ứng, nhiễm độc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm