Liên thông thủ tục cấp lý lịch tư pháp và giấy phép lao động

“Sở Tư pháp TP.HCM cùng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã trình và UBND TP đã ban hành Quy chế thực hiện liên thông nhóm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại TP.HCM”.

Tại hội nghị giao ban với các đơn vị trực thuộc và họp báo định kỳ sáu tháng đầu năm 2020 do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức vào ngày 24-7, bà Phan Thị Bình Thuận (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết như trên. Với nhiều nội dung mới, quy chế này đem lại kết quả tốt, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thời gian giải quyết hồ sơ: 20 ngày giảm còn 17 ngày

Trình bày rõ hơn, bà Hoàng Thị Hương Lan, Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, cho biết quy chế này được dự thảo từ tháng 3-2019. Qua nhiều lần góp ý và thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm định đã họp và thống nhất thông qua dự thảo.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Sở Tư pháp và Sở LĐ-TB&XH đã hoàn chỉnh dự thảo. Ngày 7-7-2020, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 16 về quy chế này.

Theo bà Lan, quy chế giúp cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa; giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân. Quy chế tạo ra cơ sở để bảo đảm thực hiện cơ chế liên thông trong việc giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đang làm việc tại TP.HCM theo hướng tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của người nộp hồ sơ... Cụ thể, khi thực hiện liên thông thủ tục hành chính, thời gian giải quyết giảm từ 20 ngày làm việc xuống còn 17 ngày làm việc (giảm 15% thời gian so với thực hiện riêng lẻ từng thủ tục hành chính).

Bà Lâm Quỳnh Thơ, Giám đốc Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YẾN CHÂU

Quyền hủy bỏ giá trị pháp lý của các văn bản chứng thực

Tham gia hội nghị, nhiều phòng công chứng cho biết đại dịch COViD-19 đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của hầu hết các tổ chức hành nghề công chứng. Theo đó, số lượng giao dịch, hồ sơ đều giảm, kéo theo việc sụt giảm doanh thu. Các phòng công chứng đang dần ổn định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Các phòng công chứng cho biết các phòng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho công chứng viên, các bộ phận nghiệp vụ để nhận diện giấy tờ giả, tránh tình trạng giả mạo giấy tờ…

Chỉ cung cấp thông tin theo đúng quy định

Bà Lâm Quỳnh Thơ, Giám đốc Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng, cho biết: Năm nay, trung tâm tổ chức bồi dưỡng theo chuyên đề để giúp các công chứng viên và các thư ký nghiệp vụ nâng cao kỹ năng nhận diện được giấy tờ giả, người giả.

Theo bà Thơ, trong sáu tháng đầu năm 2020, yêu cầu cung cấp thông tin về lịch sử giao dịch của các cơ quan quản lý nhà nước tăng. Theo bà Thơ, không phải bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng được trung tâm cung cấp thông tin. Trung tâm chỉ cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu đúng theo quy định. 

Đáng chú ý, Phòng công chứng số 6 nêu vài ý kiến có liên quan đến giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng quy định. Điều 7 Thông tư 01/2020 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015 (về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch) có quy định về hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng. Tuy nhiên, điều này chỉ quy định hủy bỏ giá trị pháp lý của các giấy tờ, văn bản chứng thực do Phòng Tư pháp và UBND cấp xã chứng thực mà không quy định đối với các giấy tờ, văn bản do các tổ chức hành nghề công chứng chứng thực.

Trao đổi lại, đại diện Phòng bổ trợ tư pháp cho biết Điều 7 Thông tư 01/2020 quy định về việc hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng quy định của pháp luật. Trước đây, trong trường hợp các cơ quan chứng thực tác nghiệp chưa đúng thì không có cơ quan nào xem xét để ra các quyết định về pháp lý đối với những văn bản này. Vì lý do đó mà những văn bản đó vẫn tồn tại, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vì vậy, Điều 7 Thông tư 01/2020/TT-BTP đã quy định về cơ chế hủy bỏ giá trị pháp lý của các văn bản chứng thực. Theo đó, có hai người được hủy bỏ: 1. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực do Phòng Tư pháp chứng thực không đúng; 2. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực.

Như vậy, đối với các văn bản, giấy tờ do các tổ chức hành nghề công chứng chứng thực không đúng, hiện chưa có cơ chế để hủy bỏ giá trị pháp lý. Đại diện Phòng bổ trợ tư pháp cho biết sở sẽ ghi nhận, báo cáo với Bộ Tư pháp về việc này.

Quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên thông

(cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại TP.HCM)

1. Tiếp nhận hồ sơ: Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ; thu phí, lệ phí theo quy định và cấp giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

2. Trình tự giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn một ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Sở LĐ-TB&XH chuyển hồ sơ và phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Sở LĐ-TB&XH chuyển hồ sơ, Sở Tư pháp giải quyết hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp và chuyển phiếu lý lịch tư pháp cho Sở LĐ-TB&XH.

Trong thời hạn một ngày làm việc kể từ ngày Sở Tư pháp chuyển phiếu lý lịch tư pháp, Sở LĐ-TB&XH cấp giấy phép lao động.

3. Trả kết quả: Trong thời hạn không quá 17 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Sở LĐ-TB&XH trả kết quả cho người nộp hồ sơ bao gồm giấy phép lao động và phiếu lý lịch tư pháp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm