Lẽ nào tuyên ‘ta bồi thường cho mình’!

Do bị cáo mới 17 tuổi, cha mẹ bị cáo phải tham gia tố tụng với tư cách là người giám hộ, trong khi họ đồng thời là người bị hại của vụ án.

Theo cáo trạng, ngày 22-9-2015, tranh thủ lúc cha mẹ đi chợ, V. lấy trộm két sắt của cha mẹ rồi bỏ nhà đi bụi. Trong két sắt có ba miếng vàng (hai miếng SJC, một miếng 9999) trị giá gần 100 triệu đồng.

Phát hiện mất vàng, cha mẹ V. đến cơ quan công an trình báo. Không quá khó khăn để công an xác định được kẻ trộm chính là V. Được gia đình thuyết phục, V. theo mẹ ra công an đầu thú.

Xử sơ thẩm tháng 7-2016, TAND quận 8 tuyên phạt V. một năm tù giam. Về dân sự, sau khi cấn trừ chiếc xe máy, V. còn phải trả cho cha mẹ 84 triệu đồng và chịu 4 triệu đồng tiền án phí.

Bị hại và bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin cho V. được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30-9, cha mẹ V. cho biết đã thỏa thuận được việc bồi thường. V. còn hơn 40 triệu đồng, bà ngoại V. cho thêm tiền đủ để trả cho cha mẹ. Đồng thời cha mẹ V. cũng xin được bảo lãnh V. về để gia đình dạy dỗ.

Đại diện VKSND TP cho rằng bản án sơ thẩm tuyên một năm tù là đúng người, đúng tội. Tòa đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, khi phạm tội là người chưa thành niên, được người bị hại dẫn đi đầu thú và xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không xem xét trường hợp bị cáo V. phạm tội khi dưới 18 tuổi, đây là vấn đề mà pháp luật hình sự cần quan tâm giáo dục nhiều hơn là trừng trị, có thể áp dụng những quy định có lợi cho bị cáo.

Theo viện, bị cáo chiếm đoạt tài sản của cha mẹ mình và họ cũng không yêu cầu xử lý hình sự, lại có đơn yêu cầu bãi nại. V. có nhân thân tốt, đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp tư pháp khác hoặc hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù theo BLHS 2015. Việc cách ly bị cáo ra khỏi xã hội trong một thời gian nhất định là không cần thiết và chưa thể hiện được tính nhân đạo của pháp luật.

Ngoài ra, VKS cho rằng bản án sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường 84 triệu đồng sau khi đã cấn trừ giá trị chiếc xe là chưa đúng. Vì theo khoản 2 Điều 606 BLDS 2005, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường. Vô hình trung tòa đã buộc hai người bị hại bỏ tiền ra trả cho mình mà còn phải chịu thêm tiền án phí.

VKS cho rằng cấp sơ thẩm chưa xác minh tài sản của V., không giải thích pháp luật cho cha mẹ bị cáo về tư cách tham gia tố tụng, về tư cách bồi thường nên bản án thiếu phần liên đới trách nhiệm bồi thường của cha mẹ bị cáo. Việc bồi thường trách nhiệm và tính án phí là bất lợi cho cả người bị hại lẫn bị cáo.

Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm, không buộc bị cáo phải bồi thường về dân sự, giữ nguyên mức hình phạt một năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Đồng tình, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ đề nghị của VKS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm