'Lập biên bản quả tang tiểu bậy thì... tạm giữ cái gì?'

Nghị định 155/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có hiệu lực từ ngày 1-2, theo đó sẽ tăng mức xử phạt một số vi phạm lên gấp 10 lần so với quy định cũ.

Để làm rõ các căn cứ pháp lý áp dụng; trao đổi các vướng mắc, kinh nghiệm triển khai và cách thức xử lý, các điều chỉnh pháp lý để việc thực thi hiệu quả hơn, sáng 14-2, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm ""Cuộc chiến” trị các vi phạm văn minh đô thị".

Các khách mời tham dự buổi tọa đàm gồm:

- Ông Dư Huy Quang, Chánh Thanh tra Sở TN&MT.

- Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý xử ý vi phạm hành chính - Sở Tư pháp TP.HCM.

- Bà Vi Thị Thanh Xuân, chuyên viên xử lý vi phạm hành chính, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 (TP.HCM).

- Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận 10.

- Ông Nguyễn Minh Sơn, tổ phó tổ trật tự đô thị phường Bến Nghé, quận 1 (quận 1).

- Luật sư Phạm Công Hùng, Công ty Luật TNHH Công Hùng và Cộng sự.

- Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Văn phòng Luật sư Tri Ân.

'Lập biên bản quả tang tiểu bậy thì... tạm giữ cái gì?' ảnh 1
Toàn cảnh buổi tọa đàm "Cuộc chiến” trị các vi phạm văn minh đô thị. Ảnh: HUYỀN VI

Bỏ luôn hàng hóa để trốn phạt

Nêu lên tình hình thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận 10, chia sẻ thực tế hiện nay, phường đang thực hiện vận động tuyên truyền và cho các hộ kinh doanh cam kết bảo vệ môi trường và khi có vi phạm thì sẽ nhắc nhở từ hai đến ba lần trở lên mới tiếng hành xử phạt.

Tuy nhiên, do số tiền người vi phạm bỏ ra đóng phạt so với số tiền thu được từ việc kinh doanh là thấp hơn nên người dân cứ vi phạm thường xuyên.

Đối với các hộ xe đẩy vi phạm xả rác thì có rất nhiều thành phần nhưng đa phần là dân nơi khác đến, khi bị phạt nhiều lúc người vi phạm còn bỏ luôn vì hàng hóa không có giá trị nhiều so với tiền phạt.

Hiện nay về nhân sự thì quận có điều động từ hai đến ba người xuống phường kết hợp với lượng lực bảo vệ dân phố, tuy nhiên cũng chưa đủ để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, nhân sự hưởng lương từ quận nhưng làm việc tại phường nên phường gặp khó khăn trong vấn đề điều động công việc.

'Lập biên bản quả tang tiểu bậy thì... tạm giữ cái gì?' ảnh 2
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận 10.

Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, đặt câu hỏi với ông Hùng về việc phường áp dụng Nghị định 155 đối với những vi phạm như thế nào?

Ông Hùng cho biết từ ngày 1-2, phường vẫn chưa triển khai để thực hiện theo Nghị định 155. Theo quy định thì phường chỉ phạt được những trường hợp như xả rác và tiểu tiệu bậy, còn những hành vi làm ô nhiễm môi trường của các hộ kinh doanh vượt thì quá thẩm quyền của phường vì phường chỉ phạt dưới 5 triệu đồng.

Ông Hùng cho biết cũng mong tọa đàm đưa ra những giải pháp để giúp phường thực hiện thuận tiện hơn.

'Lập biên bản quả tang tiểu bậy thì... tạm giữ cái gì?' ảnh 3
Luật sư Phạm Công Hùng, Công ty Luật TNHH Công Hùng và Cộng sự.

Chưa xử phạt vì mức phạt... quá cao

Cùng nêu tình hình thực tế khi xử phạt những hình vi xả rác, tiểu bậy tại địa phương, ông Nguyễn Minh Sơn, tổ phó tổ trật tự đô thị phường Bến Nghé, quận 1 cho biết: “Phường Bến Nghé thường xảy ra tình trạng tụ tập rồi xả rác,… tuy nhiên khi phát hiện phường chỉ vận động và giải thích cho bà con hiểu là chính.

Việc xử phạt theo quy định mới thì mức phạt cao nên phường cũng gặp khó khăn nên trước mắt chỉ là tuyên truyền nhắc nhở. Trước đây, với quy định cũ thì phường xử phạt nhiều trường hợp xả xác, tiểu bậy nhưng khi quy định mới có hiệu lực thì phường chưa phạt trường hợp nào”.

'Lập biên bản quả tang tiểu bậy thì... tạm giữ cái gì?' ảnh 4
Bà Vi Thị Thanh Xuân, chuyên viên xử lý vi phạm hành chính, Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 (TP.HCM).

Tạm giữ cái gì để xử phạt?

Việc áp dụng quy định mới thì địa bàn quận 1, bà Vi Thị Thanh Xuân, chuyên viên xử lý vi phạm hành chính Đội QLTT Đô thị quận 1, cho biết nhiều người dân không chấp hành vì họ không có điều kiện. Ví dụ như hộ kinh doanh bán cà phê, khi khách đến uống có những khách thích ngồi ngoài đường nên cũng vì lợi nhuận mà buộc hộ kinh doanh phải chấp nhận. Mức phạt thấp so với lợi nhuận nên họ chấp nhận mức xử phạt.

Về tiểu tiện, hồi chưa có Nghị định 155 thì địa phương xử phạt  theo 167 mức  phạt thấp và bắt quả tang mới xử phạt.

'Lập biên bản quả tang tiểu bậy thì... tạm giữ cái gì?' ảnh 5
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (áo tím), lắng nghe ý kiến của bà Vi Thị Thanh Xuân, chuyên viên xử lý vi phạm hành chính, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 (TP.HCM).

Một vướng mắc hiện nay là khi phát hiện thì cán bộ sẽ lập biên bản nhưng chưa ra quyết định ngay được vì không thẩm quyền. Và việc tạm giữ tang vật đối với những hành vi tiểu tiện hay xả rác thì tạm giữ cái gì? Những trường hợp này thì những người thực hiện bắt dội rửa hoặc dọn rác.

Ngoài ra, khi lập biên bản mà không có gì tạm giữ mà lập biên bản thu tiền tại chỗ đâu được. Nếu vậy thì phải làm sao? Và thông thường thì cán bộ thực hiện sẽ bắt khắc phục hậu quả và lập lại biên bản ghi nhận vụ việc. Thủ tục xử phạt phải có biện pháp tháo gỡ vướng mắc.

Về việc phát hiện xử phạt, thì đa phần quận có gắn camera và phát hiện lập biên bản xử phạt tại chỗ. Nhưng khó khăn của quận 1 là lực lượng mỏng so với công việc đối với các quận, huyện khác.

'Lập biên bản quả tang tiểu bậy thì... tạm giữ cái gì?' ảnh 6
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM.

Gắn biển báo có camera

Thu Tâm hỏi: Trong một thời gian dài đã có những quy định xử phạt hành chính về môi trường thì TP.HCM đã có xử phạt nhiều trường hợp nào chưa và khi Nghị định 155 thì Sở TM&NT có có kế hoạch gì để giúp đơn vị phường, xã thực hiện tốt với áp dụng quy định này?.

Ông Dư Huy Quang, Chánh Thanh tra Sở TN&MT, cho biết, “Sở ghi nhận những khó khăn vướng mắc tại địa phương. Trước đây theo quy định cũ thì tại TP.HCM đã ra 4.157 quyết định xử phạt trên lĩnh vực môi trường trong năm 2016.

Về tăng mức phạt trong Điều 20 của Nghị định 155 thì đây cũng là tiêu chí của TP tăng mức xử phạt theo tình hình kinh tế và không có lý do gì quy định có hiệu lực mà TP không thi hành. Hiện Sở đã có kế hoạch tổ chức buổi tập huấn triển khai nghị định này. Sở có một số giải pháp như để phòng ngừa là xây dựng nhà vệ sinh công cộng và đặt thùng rác hoặc đặt những bảng như “nơi này có lắp đặt camera,… tại những nơi cần thiết.

Nguyễn Thị Kim Liên, nêu ý kiến “Trong Nghị định 155 đã quy định rõ thẩm quyền và quy trình thủ tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi. Về thẩm quyền xử phát thì trước đây có hạn chế nhưng khi Nghị định 155 có hiệu lực thì thẩm quyền được mở rộng ra và tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn của mình. Đối với hành vi xả rác và tiểu bậy thì xảy ra rất nhanh vì thế chúng ta sẽ áp dụng những công cụ phương tiện nhưng máy ảnh, camera,...

Hiện nay theo quy định về xử phạt tại chỗ thì sẽ tạo điều kiện cho cơ quan xử phạt nhưng mức phạt không vượt quá 200.000 đồng. Vì thế chúng tôi đề xuất xem xét về thẩm quyền và cách xử phạt để thuận tiện hơn. Việc thực hiện bắt người vi phạm khắc phục hậu quả như cách làm của quận 1 luật có quy định thì ngoài hình thức xử phạt chính thì có biện pháp khắc phục hậu quả nên cách làm này phù hợp và có cơ sở để thực hiện.

'Lập biên bản quả tang tiểu bậy thì... tạm giữ cái gì?' ảnh 7
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Văn phòng Luật sư Tri Ân (Biên Hòa, Đồng Nai)

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân nêu ý kiến “Để xử phạt vi phạm hành chính thì khi phát hiện vi phạm thì lập biên bản. Riêng đối với hành vi phạt nguội thì vẫn được nhưng khi sử dụng chứng cứ hình ảnh thì phải xác minh để việc xử phạt đúng người và khiến cho người vi phạm chấp nhận.

Về buộc người vi phạm lao động công ích thì trước đây ở nông thôn đã thực hiện. Nhưng nếu chúng ta bắt buộc mà họ không làm thì chúng ta lại phải tính thêm khâu chế tài khác và như thế kéo nhiều thủ tục khác ra đời và phức tạp. Vì thế, tôi cho rằng khó để thực hiện dù cách làm này là rất hay. Theo tôi, bằng việc xử lý nghiêm minh là một hình thức hiệu quả nhất. Tôi kiến nghị những trường hợp xử phạt xả rác, tiểu bậy nên gửi về địa phương, nơi làm cũng giống như việc xử phạt giao thông thì sẽ có hiệu quả hơn.

Luật sư Phạm Công Hùng, đưa ra đề xuất “khi xử phạt thì hãy quan tâm đến thẩm quyền xử phạt và mức xử phạt nằm trong thẩm quyền của địa phương”.

'Lập biên bản quả tang tiểu bậy thì... tạm giữ cái gì?' ảnh 8
Luật sư Phạm Công Hùng, Công ty Luật TNHH Công Hùng và Cộng sự.

Kết thúc buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Tâm, phát biểu: Báo sẽ luôn đồng hành với các đơn vị để phản ánh và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật mà chúng ta gặp phải. Thay mặt ban biên tập cảm ơn những lời chia sẽ những đóng góp của các chuyên gia, các chính quyền địa phương để quy định mới được thực hiện tốt hơn.

'Lập biên bản quả tang tiểu bậy thì... tạm giữ cái gì?' ảnh 9
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm,Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, phát biểu kết thúc buổi tọa đàm. Ảnh: HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm