Lần đầu tiên: Bị hại đề nghị không công khai bản án

Từ đó, VKS đề nghị phạt băng trộm liên tỉnh miền Tây từ mỗi bị cáo có mức thấp nhất là 4 năm tù và cao nhất là 18 năm tù.  

Ngày quan sát, đêm hành động

Ngày 7-7, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm băng trộm đường sônng liên tỉnh miền Tây do Lý Văn Đợi (53 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) cầm đầu. Đây là băng trộm gây xôn xao dư luận vì mức độ quy mô, chuyên nghiệp của băng này và số tiền phạm tội lên đến hàng tỉ đồng.

Các bị cáo trong băng trộm miền Tây hầu tòa ngày 7-7. Ảnh: NN

 

Chiều cùng ngày, VKS đã đề nghị tòa tuyên các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản và đề nghị áp dụng quy định có lợi cho các bị cáo căn cứ theo BLHS năm 2015 quy định về tội trộm cắp tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Theo đó, VKS đã đề nghị phạt Lý Văn Đợi từ 17 đến 18 năm tù. Các bị cáo Nguyễn Văn Điệp (45 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), Phùng Thanh Tâm (43 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) và Lê Văn Dũng (51 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn – Vĩnh Long) cùng bị đề nghị từ 15-16 năm tù.

Bị cáo Lê Văn Mười (40 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn - Vĩnh Long) từ 14-15 năm tù, Nguyễn Minh Thắng (54 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) từ 13-14 năm tù; Nguyễn Văn Dân (43 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn-Vĩnh Long) từ 4-5 năm tù.

Theo cáo trạng, Đợi, Thắng, Điệp và Tâm quen biết nhau từ trước. Các đối tượng này đều là những người có nhiều tiền án, tiền sự và không có nghề nghiệp. Do muốn có tiền tiêu xài cá nhân nên nảy sinh ý định đi trộm cắp tài sản của người khác.

Nhóm này rủ anh em Mười, Dũng và Nguyễn Văn dân đi theo các tuyến sông ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ để lấy trộm tài sản.

Thủ đoạn của Đời và đồng phạm là ban ngày quan sát, chọn cơ sở mua bán ven sông, đêm đến lén lút lấy trộm tài sản. Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1-2015 đến tháng 7-2016, các bị can đã thực hiện bảy vụ trộm cắp tài sản  ở TP Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng, trong đó có ba tiệm vàng lớn…

Cụ thể, Đợi tham gia năm vụ, chiếm đoạt tài sản có trị giá hơn 2 tỉ đồng. Thắng tham gia hai vụ, chiếm đoạt tài sản trị giá gần 1 tỉ. Điệp, Mười tham gia bốn vụ, chiếm đoạt gần 2 tỉ. Tâm tham gia hai vụ, chiếm đoạt gần 800 triệu. Dân tham gia hai vụ, chiếm đoạt gần 150 triệu. Dũng tham gia ba vụ, chiếm đoạt hơn 930 triệu.

Ngoài ra, các bị cáo còn khai nhận việc phạm tội trộm cắp tại các tỉnh khác như Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã thông báo cho các địa phương để giải quyết theo thẩm quyền.

Ba bị cáo được xác định tham gia trộm với số tài sản có giá trị lớn nhất trong băng nhóm, từ trái qua phải là Mười, Đợi và Điệp. Ảnh NN

 Bản án có hiệu lực sẽ được công khai

Do hết thời gian làm việc vào buổi chiều nên tòa tạm nghỉ và sẽ tiếp tục phần tranh luận vào 8 giờ sáng ngày thứ 2 (10-7).

Một vấn đề pháp lý được tòa nêu ra tại phiên xử là một bị hại trong vụ án đã đề nghị tòa không công khai bản án trên mạng để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình bị hại này.

Chủ tọa đã hỏi ý kiến các luật sư bào chữa cho các bị cáo và đại diện VKS.

Hầu hết các ý kiến luật sư đều cho rằng thẩm quyền quyết định do chủ tọa. Luật sư Nguyễn Viết Chung (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết, vấn đề này ông chưa suy nghĩ kỹ. Nhưng với bản án có hiệu lực thì Tòa tối cao đã có quy định từ 1-7-2017 công bố bản án rộng rãi trên mạng với mong muốn mọi người đều có thể xem và nhận xét về bản án của tòa.

“Theo chúng tôi việc công khai bản án như Tòa Tối cao quy định là có lợi cho người dân. Nhưng ở đây bị hại không muốn công khai, các bị cáo thì đương nhiên không muốn công khai rồi. Theo tôi tòa nên xem xét lợi ích toàn dân. Theo tôi, Tòa Tối cao đã quy định rồi và việc này là cần thiết, có lợi cho nhiều người” – luật sư Chung bày tỏ ý kiến.

Chủ tọa cho biết, vì đây là vấn đề mới nên mới xin ý kiến các luật sư và VKS. Quy định là khi nào bản án có hiệu lực thì công khai còn bản án bị kháng cáo, kháng nghị thì không công khai…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm