Làm sao ‘trị’ việc ủy ban không thi hành án?

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trường hợp UBND quận 9 nhất quyết không thi hành một số bản án hành chính của tòa và đối phó bằng cách hủy quyết định bị kiện, ban hành quyết định mới có nội dung y như quyết định cũ. Cuối cùng thì các bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa bị vô hiệu hóa, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân thắng kiện không được đảm bảo.

Từ vụ việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc: Quy định hiện hành về việc thi hành án (THA) hành chính của ủy ban các cấp ra sao? Nếu ủy ban không chịu THA hành chính thì bị xử lý trách nhiệm như thế nào? Ai xử lý? Xử lý ai?

Quy định đều đã có

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia đều cho biết: Theo Luật Tố tụng hành chính 2015 và Nghị định 71/2016 của Chính phủ (quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THA hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa), khi nhận được quyết định buộc THA hành chính, người phải THA có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của tòa.

Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: “Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng”. Nghị định 71/2016 nêu rõ: UBND cấp tỉnh, cấp huyện phải chỉ đạo UBND cấp dưới và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND nghiêm chỉnh THA hành chính. UBND các cấp phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của người phải THA: Chấp hành đúng, đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định của tòa án; thông báo cho người được THA, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú; thông báo kết quả THA cho tòa án đã xét xử sơ thẩm, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp và cơ quan THA dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm trong trường hợp người phải THA là cơ quan...

Ông Nguyễn Tấn Linh, ông Nguyễn Văn Lợi và bà Ngô Bích Huyền - ba người dân thắng kiện nhưng không được UBND quận 9 (TP.HCM) thi hành án. Ảnh: N.HIỀN

Như vậy, việc UBND không tự nguyện THA hành chính đã vi phạm nghiêm trọng các quy định nói trên. Theo Nghị định 71/2016, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải THA có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án. Do đó trong trường hợp ủy ban không tự nguyện THA hành chính, trước hết chủ tịch ủy ban phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.

Vậy xử lý ra sao về trách nhiệm?  Theo Nghị định 71/2016, người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc THA hành chính để xảy ra hậu quả nghiêm trọng tùy mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, cách chức hoặc buộc thôi việc. Thẩm quyền xử lý thuộc trách nhiệm của cấp trên trực tiếp của người vi phạm.

Chưa kể Nghị định 71/2016 còn quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở THA có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại...

Ngoài ra, ủy ban không THA hành chính sẽ bị công khai việc không chấp hành bản án. Theo đó, trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định buộc THA hành chính, Cục THA dân sự tổ chức công khai quyết định buộc THA hành chính bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục THA dân sự đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo dõi của cục và các chi cục THA dân sự trực thuộc. Đồng thời tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục THA dân sự thuộc Bộ Tư pháp và cổng thông tin điện tử Chính phủ đối với các vụ việc người phải THA là UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh...

Huyện sai, tỉnh phải xử

Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), các quy định của pháp luật về việc THA hành chính của ủy ban, xử lý trách nhiệm trong trường hợp ủy ban không tự nguyện THA đều đã có. Vấn đề còn lại chỉ là việc thực thi nghiêm túc.

Đồng tình, TS Cao Vũ Minh (giảng viên khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng điều cần bàn hiện nay là cơ chế thực thi các quy định này. Theo TS Minh, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan cấp trên trong việc đôn đốc cơ quan cấp dưới THA hành chính, đồng thời xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Chẳng hạn, UBND cấp huyện chây ỳ không chịu THA hành chính hoặc đối phó bằng cách hủy quyết định cũ, ra quyết định mới với nội dung cũ thì UBND cấp tỉnh phải có chỉ đạo cụ thể, nếu UBND cấp huyện tiếp tục không chấp hành thì xử lý kỷ luật nghiêm túc đối với chủ tịch UBND cấp huyện.

“Cực chẳng đã người dân mới phải khởi kiện ủy ban để yêu cầu tòa án bảo vệ. Đây là một quá trình dài và vô cùng gian nan nhưng thật chua xót cho người dân là đến khi có kết quả thì ủy ban lại nhất quyết không chịu THA. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người được THA , người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan có trách nhiệm THA hành chính phải thường xuyên đôn đốc, thúc đẩy, xem xét trách nhiệm của cấp dưới khi để xảy ra việc chậm THA và cương quyết xử lý trách nhiệm một số vụ điển hình” - luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) góp ý.

Nên thành lập cơ quan chuyên trách

Theo tôi, cần có quy định về việc thành lập cơ quan chuyên trách trong việc tổ chức THA hành chính. Bởi lẽ tòa án hay cơ quan THA dân sự đều khó có thể đảm trách tốt việc THA hành chính vì đó không phải là công việc chính hay chuyên trách của họ. Để cơ quan nhà nước tự THA hành chính thì dẫn đến tình trạng cấp dưới bất chấp bản án của tòa, còn cấp trên thì không để ý, lơ là hoặc cả nể, bao che, không xử lý. Ngoài ra, việc có cơ quan chuyên trách với những quy định rõ ràng, cụ thể về chức năng, quyền hạn sẽ giúp việc THA hành chính đạt hiệu quả cao nhất.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm