Làm oan, Nhà nước sẽ chủ động xin lỗi

Sáng 20-6, với 92,46% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Luật này có hiệu lực thi hành từ 1-7-2018.

Giải trình về tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay: Đa số ý kiến đề nghị cần kế thừa nguyên tắc bồi thường như quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định giải trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Ảnh: QH

“Tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng kế thừa các quy định về kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự, đồng thời quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường” - ông Định cho hay.

Theo luật vừa được Quốc hội thông qua, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường hoặc theo thủ tục tố tụng.

Nhà nước giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án theo quy định của luật này.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường là ba năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sáng 20-6. Ảnh: QH

Phục hồi danh dự cho người bị oan là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập trong các phiên thảo luận, khi dự thảo luật vẫn tiếp cận vấn đề theo hướng chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ. Còn nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự sẽ không diễn ra.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu Quốc hội thì cần chỉnh lý điều này theo hướng là trong mọi trường hợp, sau khi có văn bản xác định là oan thì cơ quan tố tụng chủ động tổ chức xin lỗi công khai người bị oan và phục hồi danh dự cho họ, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai.

Báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã bổ sung Điều 57 quy định về chủ động phục hồi danh dự, đồng thời chỉnh lý lại các quy định ở các điều có liên quan cho phù hợp.

Điều 57 quy định: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kể từ ngày có bản án, quyết định quy định tại Điều 55 của luật này có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc Nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự. 

Hồ sơ yêu cầu bồi thường gồm: 

+ Văn bản yêu cầu bồi thường;

+ Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;

+ Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại;

+ Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).

Trường hợp người yêu cầu bồi thường là người thừa kế (nếu có nhiều người thừa kế thì những người thừa kế đó phải cử ra một người đại diện) hoặc là người đại diện của người bị thiệt hại thì thêm: Giấy tờ chứng minh nhân thân của người thừa kế, người đại diện của người bị thiệt hại; Văn bản ủy quyền hợp pháp trong trường hợp đại diện theo ủy quyền

Trường hợp người bị thiệt hại chết mà có di chúc thì người yêu cầu bồi thường phải cung cấp di chúc, trường hợp không có di chúc thì phải có văn bản hợp pháp về quyền thừa kế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm