Kỳ án “vắt ngang” 2 thập niên: Bị cáo khẳng định mình bị oan

Sáng 6-7, phiên tòa phúc thẩm lần thứ năm xét xử bị cáo Đào Xuân Phương (37 tuổi, trú tại TP Thái Nguyên) về tội cố ý gây thương tích của TAND tỉnh Thái Nguyên bước sang ngày làm việc thứ hai với phần tranh tụng.

Đại diện VKS đề nghị y án sơ thẩm. Ảnh: TUYẾN PHAN

Đề nghị y án sơ thẩm

Mở đầu, đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên đã nêu quan điểm luận tội của mình. Theo đó, căn cứ vào quá trình thẩm vấn công khai tại tòa cùng các chứng cứ, tài liệu thu thập được, VKS khẳng định việc khởi tố, xét xử bị cáo Đào Xuân Phương  về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ, có đủ cơ sở khẳng định bị cáo dùng gạch ném bị hại gây tổn hại sức khỏe 45%.

Đại diện VKS nhận định có đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm tội, bản án của cấp sơ thẩm là phù hợp; đề nghị bác kháng cáo kêu oan của bị cáo, kháng cáo tăng mức hình phạt và mức bồi thường dân sự của bị hại. Đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo năm năm tù giam về tội cố ý gây thương tích.

Ngay sau khi đại diện VKS đọc xong bản luận tội, bị cáo lập tức phản đối. Phương cho rằng bản luận tội này không có tình tiết gì mới, những yêu cầu điều tra lại của cấp phúc thẩm đều không có. Tại lần phúc thẩm thứ tư, VKS đã đưa ra nhân chứng Lê Thị Kim Thoa là không có thật, tại tòa hôm nay, bà Thoa cũng không có mặt, đề nghị HĐXX làm rõ điều này.

Cùng với đó, nhiều chi tiết rất mâu thuẫn trong vụ án gây bất lợi cho bị cáo cần làm rõ, như: điều tra nhóm đối tượng bên kia đường và thanh niên mặc quần sóc áo phông đen theo lời khai của một số nhân chứng là ai (bị cáo cho rằng những người này không có thật tại thời điểm xảy ra vụ án - PV), sự mâu thuẫn về vị trí chiếc xe máy giữa lời khai bị cáo và bị hại cũng như các nhân chứng.

Đặc biệt, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét vấn đề bỏ lọt tội phạm bởi không xử lý hình sự đối với chính bị hại. Theo đó, thời điểm xảy ra vụ án, bị hại Nguyễn Công Lương cùng tham gia đánh nhau với Đào Ngọc Tuấn, thậm chí cầm hai con dao đuổi chém người này, thế nhưng chỉ có Tuấn bị xử phạt 15 tháng tù giam về tội gây rối trật tự công cộng còn Lương thì không sao,…

Bị cáo Đào Xuân Phương khẳng định mình vô tội. Ảnh: TUYẾN PHAN

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Văn Thắng, người bào chữa cho bị cáo, cho rằng thân chủ của mình bị oan, vụ án cũng vi phạm nghiêm trọng quy định về thủ tục tố tụng.

Cụ thể, trải qua ba cấp xét xử với hơn 20 lần trả lại hồ sơ điều tra bổ sung, tám bản án và một quyết định đã được tuyên, điều này vi phạm Điều 121 BLTTHS năm 2015. Đặc biệt, tại quyết định giám đốc thẩm tháng 3-2018, TAND cấp cao tại Hà Nội không tuyên bị cáo có tội hay không mà thay vào đó lại trả hồ sơ cho tòa phúc thẩm lần bốn để xét xử lại.

Hơn thế, trong năm thẩm phán từng tham gia giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, có đến bốn thẩm phán có quan điểm là Phương không phạm tội, trong đó hai thẩm phán bảo lưu ý kiến bằng văn bản (hai lần tòa sơ thẩm kết tội Phương chỉ bằng quan điểm của hội thẩm nhân dân).     

Tại Công văn 123/CV-TA ngày 5-12-2016 của TAND TP Thái Nguyên gửi VKSND TP Thái Nguyên có nội dung về việc VKSND Tối cao khẳng định “chưa đủ căn  cứ vững chắc để buộc tội đối với Đào Xuân Phương về tội cố ý gây thương tích”, tuy nhiên VKSND TP Thái Nguyên vẫn tiếp tục truy tố bị cáo với tội danh này.

Vật chứng là không có thật?

LS Thắng cho rằng VKS và CQĐT đã không giám định cơ chế hình thành thương tích trên người nạn nhân, không làm rõ được phương, chiều, hướng và công cụ tác động là gì? Chưa kể đến vật chứng vụ án không được thu giữ và trên thực tế là không có thực, hung khí gây án liên tục thay đổi qua các bản án, khi là gạch, khi là đá, khi lại là cả gạch và đá.

Cụ thể, theo tiêu chuẩn số 1451-1989 về vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng, gạch đất sét nung có kích thước 220 mm x 105 mm x 60 mm (độ sai lệch cho phép chiều dài + ; -6 mm, chiều rộng +; -4 mm, chiều dày +; - 3 mm). Như vậy, nửa viên gạch vỡ có kich thước 10 cm x 7 cm x 7 cm như cáo trạng truy tố và lời khai của bị hại, mẹ bị hại là không có thực.

LS Nguyễn Văn Thắng đưa ra nhiều luận cứ bảo vệ quan điểm thân chủ mình không phạm tội. Ảnh: TUYẾN PHAN

Đáng chú ý, LS Thắng công bố một bút lục về việc mẹ của bị hại khai nhận rằng con trai mình đã bị cán bộ kiểm sát yêu cầu bắt buộc khai nhận về kích thước của viên gạch. Cùng với đó, một số bút lục khác tại hồ sơ cũng cho thấy ban đầu cả bị hại và mẹ đều không biết mình bị ném bằng vật gì, ai ném nhưng sau này cả hai nhất nhất khẳng định bị ném bằng gạch và trực tiếp nhìn thấy Phương ném.

Ngoài ra, hồ sơ vụ án cho thấy Kết luận điều tra bổ sung số 179/KLĐT ngày 18-4-2012 của CQĐT Công an TP Thái Nguyên được điều tra viên giao cho bị cáo vào sáng 18-4, cùng thời điểm, chính điều tra viên này lại là người chủ trì khám nghiệm hiện trường. Như vậy, kết luận điều tra đã được ban hành trước khi kết thúc điều tra?

Mâu thuẫn hơn, vị LS này khẳng định cả bốn lần khám nghiệm hiện trường và tiến hành xác định vị trí của CQĐT khi điều tra lại thì mỗi lần một kích thước, đường xá, nhà, cột điện, vị trí các nhân chứng thay đổi lung tung, không đúng với thực tế; không chụp ảnh hoặc có chụp nhưng không lưu vào hồ sơ vụ án,… Cùng lúc, LS đưa ra các hình ảnh về khu vực hiện trường do chính mình chụp để chứng minh cho quan điểm trên.

Từ những luận cứ của mình, LS bào chữa cho bị cáo cho rằng nguyên nhân thực chất dẫn tới vết thương trên khu vực mắt của bị hại là do ngã xe chứ không phải bị ném.

Cụ thể, hồ sơ bệnh án tại BV Gang Thép (nơi bị hại được đưa vào trước khi chuyển xuống BV Việt Đức, Hà Nội) có ghi rõ: “nạn nhân tỉnh táo tự khai: tự ngã xe đạp ; bụng có vết thương xây sát”. Trong lời khai của mẹ bị hại, hồ sơ bệnh án và kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự cũng xác nhận ở bụng nạn nhân có vết xây xát. Đây là chứng cứ quan trọng để chứng minh nạn nhân tự ngã xe như lời khai của chính nạn nhân tại hồ sơ bệnh án và lời khai của người đưa nạn nhân vào BV tại CQĐT. Tuy nhiên, CQĐT và VKS đã bỏ qua không tiến hành giám định, không đề cập tới trong suốt quá trình điều tra và truy tố.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ sót nhiều dấu vết, chứng cứ quan trọng của vụ án, nhất là những chứng cứ chứng minh bị cáo không có tội cũng như sự mâu thuẫn của một số người làm chứng và người bị hại,…

Kết thúc bài bào chữa của mình, LS này đưa ra 25 câu hỏi, đề nghị đại diện VKS tranh tụng thẳng thắn, trực tiếp để làm rõ các vấn đề trong vụ án.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Bản án phúc thẩm lần thứ 4 của TAND tỉnh Thái Nguyên ngày 24-8-2017 đã tuyên trả hồ sơ sau khi tòa sơ thẩm tuyên Đào Xuân Phương năm năm tù giam.

Tòa phúc thẩm cho rằng quá trình điều tra, truy tố các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục trong việc chứng minh tội phạm. Việc kết án bị cáo chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại, mẹ bị hại, người làm chứng khi có rất nhiều mâu thuẫn.

Một chi tiết rất quan trọng khác được lưu trong hồ sơ, đó là một người bị tạm giam tên Lê Thị Phương Hoa tố giác Đào Xuân Phương sau khi được bị cáo này kể lại việc đánh Lương ra sao. Tuy nhiên, quá trình lấy lời khai của bà Hoa, CQĐT không cho đối chất với Phương, không thực nghiệm điều tra.

Tòa phúc thẩm khẳng định chưa đủ cơ sở khẳng định Phương là người gây thương tích cho Lương, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm