Kỳ án giết mẹ: Luật sư trưng bằng chứng ngoại phạm của bị cáo

Sáng 24-5, phiên tòa Vi Văn Phượng (51 tuổi, trú tại huyện Lục Nam) về tội giết mẹ ruột của mình bước sang ngày xét xử thứ hai. Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang trình bày bản luận tội đối với bị cáo.

Theo VKS, có đủ cơ sở để kết luận Phượng là người thực hiện hành vi sát hại bà Nguyễn Thị Vui. Hành vi của Phượng nhằm trút bỏ gánh nặng gia đình, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất là tử hình.

VKS cũng giữ nguyên quan điểm khi cho rằng động cơ gây án của bị cáo xuất phát từ việc mâu thuẫn với mẹ xung quanh chuyện đòi vàng.

Đáng chú ý, đối với lời khai của Phượng về việc bị tra tấn, nhục hình, cơ quan công tố khẳng định điều này là không có cơ sở.

Đại diện VKS trình bày bản luận tội bị cáo.

Luật sư tung bằng chứng ngoại phạm

Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư (LS) Vũ Thị Nga cho rằng với các tài liệu có được cùng lời khai của bị cáo và những người liên quan, Vi Văn Phượng không thể có mặt tại nhà ở thời điểm bà Nguyễn Thị Vui bị sát hại.

Cụ thể, nhân chứng Nguyễn Văn Linh khai rằng trong lúc cùng ngồi ăn cơm với Phượng ở nhà ông Lê Quang Trường thì nhận được một cuộc gọi từ vợ mình. Sau khi kết thúc cuộc gọi này, khoảng 5-10 phút sau Phượng mới rời khỏi để về nhà.

Lịch sử liên lạc thuê bao của nhân chứng Linh cho thấy cuộc gọi trên được thực hiện vào lúc 11 giờ 10 phút 39 giây ngày 5-10-2012, với tổng thời gian cuộc gọi là 7 giây.

Cũng theo kết quả thực nghiệm hiện trường, thời gian di chuyển từ nhà ông Trường về nhà Phượng nhanh nhất là 13 phút 6 giây, chậm nhất là 16 phút. Nếu cộng thêm khoảng thời gian này, thời điểm Phượng có mặt ở nhà sớm nhất cũng là 11 giờ 29 phút 6 giây.

“Như vậy, với những căn cứ trên, Vi Văn Phượng không thể có mặt tại nhà lúc 11 giờ 15  phút để thực hiện hành vi giết mẹ đẻ của mình như cáo trạng đã quy kết” – LS Nga khẳng định.

Cùng bào chữa cho Phượng, LS Đinh Anh Tuấn cũng xuất trình một chứng cứ mới để chứng minh thân chủ mình ngoại phạm.

Theo đó, Vi Văn Phượng có nhiều lời khai cho thấy trong quá trình từ nhà ông Trường trở về, khi đến khu vực Trường THCS Tam Dị, bị cáo có gặp một số học sinh đang tan học.

LS Tuấn đã làm việc với phía nhà trường để xác định thời gian biểu. Kết quả cho thấy theo lịch học mùa hè (từ ngày 6-4 đến ngày 15-10 hàng năm), học sinh sẽ tan trường vào lúc 11 giờ 15 phút.

Vi Văn Phượng tại tòa ngày 25-4.

Vị LS này giả định sau khi tan học, phải mất 2-3 phút thì học sinh mới ra đến ngoài cổng trường. Như vậy, thời điểm Phượng gặp các học sinh là sau 11 giờ 15 phút, nghĩa là không thể có mặt ở nhà như nội dung cáo trạng nêu.

LS Tuấn đề nghị tòa trả hồ sơ để dựng lại hiện trường nhằm xác định thời gian Phượng đi từ nhà ông Trường về nhà hết bao nhiêu thời gian; có hay không việc mớm cung, bức cung nhục hình…

Tranh luận về thời điểm chết của nạn nhân

Một luận điểm rất đáng chú ý khác được các LS nêu ra nhằm chứng minh Vi Văn Phượng không thể gây án, đó là kết luận giám định liên quan tới thời gian tử vong của bà Nguyễn Thị Vui.

Theo LS Vũ Thị Nga, kết luận giám định pháp y số 2816 ngày 15-8-2017 của Viện khoa học hình sự Bộ công an xác định thời gian nạn nhân chết sau bữa ăn cuối cùng (lúc 6 giờ 30 phút sáng) là 3-5 tiếng.

Tuy nhiên, theo các tài liệu khoa học, thời gian trung bình để dạ dày con người tiêu hóa thức ăn là 1 tiếng 30 phút đối với thức ăn nhẹ, 3 tiếng đối với thức ăn trung bình và 4 tiếng đối với thức ăn nhiều mỡ.

Ngày xảy ra vụ án, bà Vui được xác định ăn mỳ tôm, đây là loại thức ăn nhẹ, do vậy thời gian tiêu hóa không thể lên tới 3-5 tiếng.

Luật sư Vũ Thị Nga cùng hai đồng nghiệp bào chữa cho Vi Văn Phượng.

Quá trình giải quyết vụ án, Viện khoa học Hình sự Bộ công an giải thích rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiêu hóa thức ăn của bà Vui như: răng rụng nhiều, niêm mạc dạ dày chợt loét…

Tuy nhiên, mỳ tôm là loại thức ăn khá mềm nên không cần dùng quá nhiều đến chức năng của răng. Việc cho rằng vì bà Vui rụng nhiều răng dẫn tới tiêu hóa chậm là không thuyết phục.

Theo LS Nga, nếu đúng như phân tích ở trên, thời điểm bà Vui chết sẽ sớm hơn rất nhiều so với 11 giờ 15 phút như kết luận điều tra và cáo trạng nêu, đồng nghĩa với việc Phượng ngoại phạm vì khoảng thời gian này bị cáo không có mặt ở nhà.

Ngoài ra, về động cơ gây án, nữ LS cho rằng Phượng không có lý do gì để ra tay sát hại mẹ mình. Bởi lời khai của các nhân chứng, hàng xóm cũng như chính Phượng đều cho thấy bị cáo là một người con có hiếu, luôn chăm lo cho mẹ. Việc vay vàng của bà Vui, Phượng đã trả trước khi vụ án xảy ra mấy ngày, do vậy không thể có chuyện bị cáo ra tay.

Cáo trạng của VKS còn cho rằng tối 4-10-2012, Phượng và bà Vui có xảy ra cãi nhau vì bà Vui nghi ngờ Phượng mua vàng giả. Tuy nhiên, lời khai của Vi Văn Hồ (con trai Phượng) cho thấy giữa hai người không hề có cãi cọ hay to tiếng gì.

 

Kiến nghị xem xét 16 vấn đề

Đồng quan điểm với các đồng nghiệp của mình, LS Trần Văn An, cho rằng không có căn cứ để cáo buộc Vi Văn Phượng là hung thủ giết hại bà Nguyễn Thị Vui.

Theo LS An, bản án giám đốc thẩm khẳng định căn cứ buộc tội đối với Phượng tại hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm là chưa vững chắc, từ đó yêu cầu điều tra lại 7 vấn đề. Tuy nhiên, sau hơn hai năm điều tra, hầu hết các vấn đề đều không được làm rõ, hoặc được xác minh nhưng lại không đảm bảo tính khách quan.

LS An nêu ra 16 vấn đề, đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ, làm rõ để xác định Phượng có phải là hung thủ gây án hay không.

Trong số này, LS An dẫn chứng trước khi vụ án mạng xảy ra, vợ Phượng có gửi 50 triệu đồng về cho bị cáo, do đó không thể có chuyện vì quá túng bách và bực tức vì bị mẹ đòi vàng mà Phượng ra tay.

Cùng với đó, cần phải làm rõ thời điểm gây án, Phượng mặc một hay hai áo. Trong khi Phượng và nhiều nhân chứng khẳng định chỉ mặc một áo thì một nhân chứng khác lại cho rằng bị cáo mặc hai áo. Tuy nhiên, lời khai của chính nhân chứng này lại thay đổi và mâu thuẫn với nhau, khi thì nói một áo, khi lại nói hai áo...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm