Kiện vì không được khám, chữa bệnh

Mới đây, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ ông ĐTN (ngụ quận 12) kiện giám đốc Sở Y tế TP.HCM về việc không cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho ông.

Không phải đối tượng được cấp chứng chỉ

Trước đó, trong đơn khởi kiện, ông N. trình bày rằng bản thân ông là cử nhân sinh học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, tốt nghiệp vào năm 2001. Năm 2009, ông làm nhân viên xét nghiệm cho một phòng thí nghiệm y khoa với đầy đủ các công việc như nhận mẫu, vận hành máy, kiểm tra kết quả. Đây cũng chính là chuyên ngành mà ông được đào tạo tại trường đại học trước đó.

Sau đó, để phục vụ thêm cho công việc, tháng 10-2013, ông N. đi học khóa bồi dưỡng xét nghiệm thời hạn một năm và đã được cấp chứng chỉ. Vì thế, ông nộp hồ sơ đến Sở Y tế TP xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh nhưng bị từ chối.

Sở Y tế TP đã căn cứ theo Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 để xác định trường hợp của ông N. không được cấp chứng chỉ hành nghề vì trên văn bằng tốt nghiệp ghi ông là cử nhân sinh học. Đồng thời trên văn bằng tốt nghiệp của ông cũng không có nội dung nào ghi là kỹ thuật viên cả.

Ông N. khiếu nại thì ngày 29-6-2015, Sở Y tế TP tiếp tục khẳng định ông không thuộc đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, văn bản này lại ghi “cho phép ông N. hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo sự phân công của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với văn bằng chuyên môn”.

Tòa: Sở Y tế đúng!

Không đồng ý, ông N. đã nộp đơn khởi kiện Sở Y tế TP ra TAND TP để yêu cầu tòa hủy văn bản trả lời của Sở Y tế TP, đồng thời buộc Sở Y tế TP phải cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho ông.

Ra tòa, ông N. cho rằng Điều 30 Thông tư 41/2011 của Bộ Y tế (hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) quy định: “Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng xét nghiệm phải đáp ứng các điều kiện như sau: Là bác sĩ hoặc cử nhân sinh học hoặc cử nhân hóa học hoặc dược sĩ đại học hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm (tốt nghiệp đại học) có chứng chỉ hành nghề”. Từ đó, ông tiếp tục khẳng định trường hợp của mình phải được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Đại diện Sở Y tế TP cho biết đúng là ông N. có nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Sau đó, hội đồng tư vấn của Sở đã họp, có ý kiến chưa thống nhất nên Sở có công văn gửi Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo. Bộ Y tế đã trả lời là chiếu theo Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì không có đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh là cử nhân sinh học như ông N. Tuy nhiên, dù không cấp chứng chỉ hành nghề nhưng Sở cho rằng ông N. vẫn được phép hành nghề đúng chuyên môn xét nghiệm của ông theo sự phân công của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nên mới có văn bản trả lời ông N. như trên.

Theo tòa, Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, việc Sở Y tế TP không cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho ông N. là đúng quy định.

Tòa cũng khẳng định việc ông N. cho rằng ông thuộc trường hợp phải được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo Điều 30 Thông tư 41/2011 là không đúng. Bởi lẽ đây chỉ là quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng xét nghiệm chứ không áp dụng cho trường hợp xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Từ đó, tòa đã bác yêu cầu khởi kiện của ông N.

Quy định liên quan

- Người xin cấp chứng chỉ hành nghề:

1. Bác sĩ, y sĩ

2. Điều dưỡng viên

3. Hộ sinh viên

4. Kỹ thuật viên

5. Lương y

6. Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

- Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam:

1. Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

a) Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận là lương y;

c) Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

2. Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền...

(Trích Điều 17, Điều 18 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm