Kiện sui gia hụt đòi 300 triệu đồng

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi tài sản giữa hai ông sui gia hụt. Bị đơn đã lội ngược dòng, bảo vệ thành công lý lẽ của mình về việc số tiền mà nguyên đơn chuyển cho ông là tiền chuẩn bị cho chuyện thành đôi của hai con, chớ không phải tiền vay mượn gì.

Nguyên đơn: Kiện đòi tiền cho bạn vay

Theo đơn kiện ngày 3-12-2019 của ông Phạm Thanh H., khoảng năm 2010, ông H. từ Vương quốc Anh trở về Việt Nam sau 17 năm xa quê hương. Ông gặp lại bạn học cũ là ông Trần Thái M.

Hai bên tay bắt mặt mừng, ôm vai bá cổ, tình cảm xưa ùa về. Cả hai ông khi đó đều đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.

“Năm 2011, ông M. có liên lạc, nhờ tôi giúp đỡ do hoàn cảnh gia đình ông M. đang gặp khó khăn. Thương bạn, tôi đã không chút đắn đo, chuyển tiền cho bạn mượn liền” - ông H. nêu.

Ngày 9-9-2011, ông H., chuyển khoản cho ông M. 5.000 bảng Anh. Ngày 24-10-2011, ông H. tiếp tục chuyển khoản cho ông M. 5.000 bảng Anh thông qua Ngân hàng Santander tại Vương quốc Anh.

Đến năm 2012, ông H. tiếp tục chuyển khoản cho ông M. 3.000 bảng Anh thông qua Ngân hàng Western Union. Cùng thời gian đó, ông M. có liên hệ mượn thêm ông H. 1.000 bảng Anh và ông H. cũng đồng ý.

Như vậy, tổng số tiền mà ông H. đã chuyển khoản cho ông M. là 14.000 bảng Anh. Đã nhiều lần ông H. đòi tiền nhưng ông M. không trả.

Nay ông H. yêu cầu ông M. trả 14.000 bảng Anh, tương đương 420 triệu đồng. Trong quá trình tòa giải quyết, ông H. thống nhất rút lại một phần yêu cầu, chỉ đòi ông M. trả 10.000 bảng Anh, tương đương 300 triệu đồng và không yêu cầu tính lãi.

Bị đơn: Tình bạn tình sui, không vay không mượn

Ông M. thì cho rằng số tiền này ông H. chuyển cho con gái ông làm quà vì hai bên có ý định kết sui gia. Năm 2011, ông H. cùng vợ và con trai về Việt Nam đã cùng gia đình ông M. đi du lịch.

Ông M. cung cấp hai tấm ảnh thể hiện việc vợ và con trai ông H. có đi du lịch và chụp ảnh chung với con gái của ông M.

Theo ông M., sau khi về lại nước Anh, ông H. liên hệ với gia đình ông, bày tỏ thiện chí chuyển tiền tặng con gái ông M. học tiếng Anh và sửa nhà để sau này tổ chức đám cưới cho con trai ông H. và con gái ông M.

Gia đình ông không đồng ý nhận nhưng bị thuyết phục nhiều lần nên mới nhận. Một thời gian sau, gia đình ông H. không còn liên lạc với gia đình ông. 

Ông M. lập luận: “Hai biên lai chuyển tiền mà ông H. đưa ra làm chứng cứ đòi nợ cũng không thể hiện mục đích ông H. chuyển tiền. Trong khi đó, rõ ràng là con gái tôi có đi học thêm tiếng Anh, còn tôi thì đã sửa lại nhà để sau này tụi nó làm đám cưới”.

Ngày 18-11-2020, TAND tỉnh Trà Vinh xử sơ thẩm đã tuyên buộc ông M. trả nợ 10.000 bảng Anh cho ông H. Ông M. kháng cáo cho rằng số tiền đó là tiền ông H. gửi về tặng cho con gái ông.

Người bảo vệ quyền lợi cho ông M. cho rằng ông H. khởi kiện đòi tiền nhưng không cung cấp được chứng cứ thể hiện là tiền mượn. Số tiền ông H. gửi về cho ông M. là tài sản chung của vợ chồng ông H. nhưng tòa sơ thẩm không đưa vợ ông H. vào tham gia tố tụng, trong khi có đoạn ghi âm vợ ông H. nói đây không phải tiền mượn. Tòa sơ thẩm cũng chưa thu thập tài liệu liên quan đến số tiền ông H. gửi về cho ông M. nên tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đề nghị hủy án...

Tòa: Tiền chuyển về là tiền tặng cho

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm. Theo VKS, ông M. xác nhận năm 2011 đã nhận của ông H. 10.000 bảng Anh được chuyển khoản từ nước ngoài về, phù hợp việc xin gia hạn trả nợ nên buộc ông M. phải trả nợ là đúng.

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm với nhận định rằng hai biên lai chuyển tiền không thể hiện ông H. chuyển tiền cho ông M. mượn hay cho; bốn đoạn video ghi âm, ghi hình ông M. không thừa nhận mượn tiền của ông H. và hai bên cũng không yêu cầu giám định nên chưa đủ cơ sở để xác định ông H. chuyển tiền về là để cho ông M. mượn.

Theo HĐXX phúc thẩm, năm 2011, ông H. cùng vợ và con trai về Việt Nam đã cùng vợ chồng ông M. và con gái ông M. đi du lịch chung; ông M. cung cấp hai tấm ảnh thể hiện vợ và con trai ông H. có đi du lịch và chụp ảnh chung với con gái của ông M. là sự thật.

Đồng thời, ông H. chuyển tiền cho ông M. sau thời gian gia đình ông H. về Việt Nam đi du lịch chung. Mặt khác, thực tế con gái ông M. có đi học thêm tiếng Anh; vợ chồng ông M. có sửa lại nhà nên HĐXX thấy:

Xuất phát từ chỗ giữa ông H. và ông M. là bạn cũ, hai bên hứa hẹn kết sui gia nên ông H. chuyển tiền để con gái ông M. học thêm tiếng Anh và sửa lại nhà sau này làm đám cưới như trình bày của ông M. là phù hợp. Do đó, có căn cứ xác định 10.000 bảng Anh ông H. chuyển cho ông M. là tiền tặng cho chứ không phải ông H. cho ông M. mượn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm