Kiện ông hàng xóm để rò rỉ nước thải

TAND tỉnh Bình Dương vừa xử phúc thẩm vụ án tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản giữa ông ĐHM với ông PTN, do nguyên đơn kháng cáo.

Theo đó ông M. là chủ nhà trọ cho thuê. Từ tháng 2 đến tháng 4-2017, ông N. (nhà kế bên) có hành vi xả nước thải sinh hoạt từ hầm vệ sinh sang dãy nhà cho thuê của ông M. Hậu quả là dãy nhà cho thuê bị ô nhiễm, mùi hôi nồng nặc khiến người thuê trả lại phòng. Cũng vì ô nhiễm mà từ tháng 10-2017 đến tháng 4-2018 không có ai đến thuê nhà của ông M. nữa.

Cũng theo ông M. dãy nhà cho thuê của ông có 5/8 phòng không cho thuê được, mỗi phòng cho thuê với giá là 800.000 đồng/tháng. Sau nhiều lần yêu cầu ông N. khắc phục hậu quả nhưng không thành, ông M. có làm đơn gửi UBND phường để yêu cầu.

Đến đầu tháng 4-2018, sau nhiều lần xây dựng và nâng cấp lại hệ thống nước thải sinh hoạt, tình trạng ô nhiễm môi trường đã không còn. Tuy nhiên, theo ông M. đó mới chỉ là phần ngăn chặn hành vi vi phạm của ông N. Còn phần bồi thường thiệt hại vì gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cho thuê phòng trọ của ông M. thì ông N. chưa thực hiện. Ông M. nhiều lần yêu cầu bồi thường thì ông N. đều trốn tránh.

Từ đó ông M. khởi kiện yêu cầu ông N. phải bồi thường thiệt hại của năm phòng, mỗi phòng cho thuê 800.000 đồng/tháng x sáu tháng, tương đương với 24 triệu đồng.

Tại tòa, ông N. trình bày ông có làm việc với vợ chồng ông M. và UBND phường về việc kiểm tra thấy nước sinh hoạt của nhà ông bị rò rỉ qua một phòng trọ của ông M. Ông đã hai lần khắc phục sự cố nước rò rỉ nên sau đó đã không còn nước thấm qua nhà ông M. nữa.

Ngày 1-4-2018, UBND phường mời hai bên đến thống nhất cách khắc phục theo yêu cầu của ông M. và ông N. đã khắc phục. Sau đó ông N. có mời UBND phường đến kiểm tra và lập biên bản hòa giải thành giữa các bên.

Theo ông N., dãy nhà trọ của ông M. xây dựng trước, nhà ông N. xây dựng sau, cách nhau khoảng 10 cm để nước mưa chảy xuống. Về độ cao thì nền nhà ông N. cao hơn dãy nhà trọ của ông M. khoảng 50 cm, do đó nước thải sinh hoạt rò rỉ qua là sự cố ngoài ý muốn. Ông đã cố gắng sửa chữa và đã khắc phục xong hậu quả. Từ đó ông N. không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông M.

Tháng 9-2018, TAND TP Thủ Dầu Một xử sơ thẩm đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông M. và ghi nhận sự tự nguyện của ông N. hỗ trợ cho ông M. 1,7 triệu đồng. Sau đó ông M. kháng cáo.

Tại phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Dương nhận định vụ việc được UBND phường giải quyết thể hiện qua hai biên bản hòa giải, ông N. đã khắc phục hậu quả đối với việc nước thải sinh hoạt thấm qua phòng trọ của ông M. Ngày 9-4-2018 UBND phường đã lập biên bản hòa giải thành giữa vợ chồng ông M. với ông N. Như vậy, việc rò rỉ nước sinh hoạt từ nhà ông N. sang phòng trọ ông M. là có thật. Hiện tại, theo trình bày của ông M., các phòng đã cho thuê hết và cũng không còn rò rỉ nước sinh hoạt nữa.

Ngày 20-7-2018, Tòa sơ thẩm yêu cầu nguyên đơn phải có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu chứng cứ, chứng minh sự việc năm phòng trong sáu tháng không có người thuê do hành vi xả nước thải gây ô nhiễm. Tại biên bản lấy lời khai ngày 24-8-2018, ông M. xác định không có tài liệu, chứng cứ để cung cấp cho tòa án.

Do đó, cấp sơ thẩm tuyên xử không chấp nhận yêu cầu của ông M. là phù hợp với các quy định của pháp luật. Từ đó HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông M. giữ nguyên án sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm