Kiến nghị chính thức thực hiện thừa phát lại

Hôm nay (25-8), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) Trung ương sẽ họp tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định này theo Nghị quyết số 36 ngày 23-11-2012 của Quốc hội. Kết quả tổng kết của bộ, ngành, địa phương cho thấy TPL đã trở thành một nghề, một chế định bổ trợ tư pháp mới cho hoạt động của các cơ quan tư pháp. TPL đã được người dân và xã hội đón nhận, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội. Vì thế đã có rất nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho triển khai chính thức TPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật về TPL...

Trưởng Văn phòng TPL quận 1 Nguyễn Thị Hạnh (giữa) đang lập vi bằng ghi nhận việc mở email. Ảnh: T.TÙNG

Tác động tích cực nhiều mặt

Theo báo cáo tổng kết của Chính phủ đối với hoạt động tư pháp, TPL không cản trở mà còn góp phần bổ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp hiệu quả hơn, đúng pháp luật hơn.

Cụ thể, tống đạt văn bản là chức năng quan trọng bổ trợ tích cực cho tòa án, giúp nâng cao vị thế của cán bộ tòa vì hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc với đương sự ngoài trụ sở tòa, tạo sự khách quan, vô tư trong xét xử. Nó cũng góp phần cho tòa bảo đảm tố tụng trong xét xử, nhất là những trường hợp xét xử vắng mặt. Với cơ quan thi hành án (THA) dân sự, việc tống đạt văn bản đã giúp thi hành hiệu quả bản án.

Việc lập vi bằng của TPL đã góp phần bổ sung nguồn chứng cứ cho đương sự, giúp cơ quan xét xử giải quyết vụ việc khách quan, đúng pháp luật. Một số trường hợp, vi bằng đã được sử dụng trong vụ kiện lớn, có yếu tố nước ngoài. Nó cũng góp phần giảm tải công việc của tòa để tòa tập trung vào công tác xét xử, bảo đảm nhanh chóng, khách quan. Đơn cử như hai cấp tòa ở TP.HCM đến nay đã sử dụng 117 vi bằng làm chứng cứ trong việc xét xử. Ý nghĩa cao hơn của vi bằng là làm giảm bớt các tranh chấp, khiếu kiện, giúp các bên tự thỏa thuận, bồi thường mà không cần phải khởi kiện ra tòa.

Thực tế cho thấy việc xác minh điều kiện THA là gánh nặng cho người được THA và cả chấp hành viên, nhất là khi phải xác minh tại các cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng... Khi TPL ra đời, người dân có thêm công cụ hỗ trợ tích cực cho việc này. Bên cạnh đó, việc TPL trực tiếp tổ chức THA giúp người dân có quyền lựa chọn dịch vụ THA tốt nhất, chính xác, kịp thời. TPL có thể chia sẻ trách nhiệm với THA, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức THA, vừa cạnh tranh lành mạnh vừa góp phần hạn chế tiêu cực. Nó cũng giảm tải công việc vì một chấp hành viên ở các địa phương lớn trung bình phải thực hiện trên 160 việc/năm.

Ngoài ra, TPL còn góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp mà Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đề ra. Ý thức, trách nhiệm, sự đóng góp nguồn lực của người dân, xã hội đối với hoạt động bổ trợ tư pháp được tăng cường, bớt gánh nặng cho ngân sách, tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức. TPL còn tạo cơ chế để người dân, xã hội tham gia tích cực hơn vào quá trình quản lý xã hội, chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, xây dựng nền tư pháp hiệu quả, trong sạch.

Đối với kinh tế-xã hội, hoạt động của TPL góp phần bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh, các giao dịch dân sự - kinh tế đúng pháp luật. Nó bảo vệ quyền, lợi ích của các bên, tạo môi trường ổn định cho các hoạt động, từ đó thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn người dân khi được hỏi đều cho rằng sẵn sàng sử dụng TPL vì có thể giúp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Xây dựng luật về TPL

Từ nhu cầu có thực của người dân và xã hội, từ xu hướng phát triển nghề TPL trên thế giới, có thể thấy sự tồn tại của TPL ở nước ta là tất yếu, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, cải cách tư pháp.

Để TPL phát triển thì trước hết cần có nhận thức đúng đắn về vai trò, tác động của TPL với tư cách là dịch vụ công, hỗ trợ cơ quan tư pháp, tạo công ăn việc làm, không lấy chi phí từ ngân sách nhà nước mà ngược lại còn đóng thuế cho Nhà nước. Các cơ quan công quyền không nên coi TPL là dịch vụ tư, từ đó thiếu hợp tác hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu của TPL. Cạnh đó, cũng cần tiếp tục hoàn thiện về mô hình tổ chức, các tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của TPL, cần có tổ chức nghề nghiệp về TPL và cơ chế giám sát, quản lý riêng. Ngoài ra, cần mở rộng phạm vi công việc mà TPL đang thực hiện, nhất là việc tổ chức THA.

Từ đó, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho tiếp tục thực hiện TPL, ngoài 13 địa phương đang thí điểm hiện nay thì cần mở rộng ở các địa phương có số lượng án xét xử lớn, lượng án phải thi hành nhiều. Trước mắt phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho TPL. Nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho các hoạt động và nâng cao địa vị pháp lý cũng như phù hợp với tính chất, đặc thù của nghề TPL thì cần xây dựng luật về TPL. Luật TPL cần được nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2016 và thông qua trong năm 2017.

Song song đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân. Giải quyết kịp thời các khó khăn về tổ chức và hoạt động của TPL như trình tự, thủ tục tống đạt văn bản; hướng dẫn về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng; xác minh điều kiện và tổ chức cưỡng chế TPL.

Về hoạt động đào tạo, cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho nhân viên TPL theo hướng TPL phải chuyên sâu, thư ký nghiệp vụ phải giỏi việc. Bổ sung vào chương trình đào tạo các chức danh tư pháp với chế định TPL giống các chức danh tư pháp khác.


Một số vi bằng tiêu biểu của TPL

- Văn phòng TPL quận Bình Thạnh (TP.HCM) lập vi bằng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến khối di sản thừa kế 1.000 tỉ đồng của bà bán bún Thạch Kim Phát ở quận Tân Phú, được dư luận trong nước và cả kiều bào ở nước ngoài quan tâm, biết đến. Việc lập vi bằng đã góp phần rất lớn trong việc giúp các bên tạo lập chứng cứ, từ đó làm cơ sở hòa giải, thỏa thuận và giải quyết dứt điểm vụ việc.

- Văn phòng TPL quận 1 (TP.HCM) lập vi bằng làm chứng cứ, từ đó Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã hủy hai nhãn hiệu cà phê ”Buon Ma Thuot” do Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd) đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc theo yêu cầu của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Việt Nam.

- Văn phòng TPL quận Bình Tân (TP.HCM) lập vi bằng theo yêu cầu của GS Trần Văn Khê về việc ông trao lại cho con gái út của mình là bà Trần Thị Thủy Ngọc bản di nguyện cuối đời cùng bản kiểm kê các tài sản, hiện vật, tư liệu... tại nhà của ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm