Kiện đòi con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của người khác, được không?

 Ông V. đưa ra một tờ biên bản giám định ADN xác định ông và cháu N. là cha con rồi đề nghị ông L. giao cháu N. cho ông nuôi dưỡng.

Ông L. từ chối. Tháng 10-2013, ông V. đã gửi đơn đến TAND quận 4 yêu cầu xác định cháu N. là con ruột của ông, kèm biên bản giám định ADN của một trung tâm phân tích ADN (dịch vụ) xác định ông V. và cháu N. là cha con. TAND quận 4 đã thụ lý, xác định đây là vụ kiện “xác định cha cho con”, đồng thời xác định ông L. là bị đơn.

Tháng 1-2014, TAND quận 4 đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là buộc ông L. đưa cháu N. đến Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tại TP.HCM để lấy mẫu giám định ADN. Ông L. không chấp nhận đưa cháu N. đi lấy mẫu xét nghiệm. Tháng 4-2014, Chi cục Thi hành án dân sự quận 4 đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng vẫn không thi hành được.

Ngày 1-6-2015, TAND quận 4 đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Hôm sau, tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mới là buộc ông L. phải đưa cháu N. đến Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP.HCM để cung cấp mẫu vật tiến hành giám định ADN. Tòa đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện để chờ kết quả giám định ADN của bé N. và ông V. Đến nay vụ kiện vẫn đang bị “treo” để chờ kết quả giám định ADN.

Ở vụ kiện này, có một vấn đề pháp lý cần đặt ra: Tòa thụ lý đơn kiện của ông V. (tạm gọi là người cha giả định) kiện người cha hợp pháp của cháu L. để “xác định cha cho con” liệu có đúng pháp luật?

Đây là trường hợp xin xác nhận mối quan hệ cha con mà con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của người khác. Tình huống này Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 cũng như Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đều chưa có quy định cụ thể. Theo quan điểm của cá nhân tôi, ông V. không có quyền khởi kiện, tòa cần phải đình chỉ vụ kiện bởi những lý do sau:

Theo quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân được xác định là con chung của vợ chồng. Cháu N. sinh năm 2010, được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng ông L., đã đăng ký khai sinh có tên đầy đủ của người cha là ông L. Do đó, về mặt pháp lý thì ông L. là cha ruột cũng là người đại diện hợp pháp của cháu N.

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ ông L. không có tranh chấp yêu cầu xác nhận hoặc không xác nhận cha cho cháu N. Sau khi người này mất, ông L. là cha đẻ của cháu N., là người đại diện hợp pháp của cháu N. Không ai có quyền phủ định, chối bỏ quyền làm cha của ông L. Việc ông L. không đồng ý yêu cầu giao cháu N. cho ông V. nuôi dưỡng càng khẳng định ông L. không từ chối quyền làm cha đã được pháp luật công nhận.

Để việc nhận thức, áp dụng pháp luật được thống nhất, rất mong nhận được sự trao đổi của các chuyên gia pháp luật và bạn đọc về tình huống này.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm